Dù chỉ còn đúng một tháng nữa là đến này khai giảng, nhưng hiện nay ở Hà Nội, học sinh vẫn đang thi học kỳ II, trong khi tại TP.HCM, công tác tuyển sinh đầu cấp mới bắt đầu.
Rốt ráo hoàn thành công việc năm cũ
Sáng nay 5/8, con gái chị Thu Hằng (quận Ba Đình, Hà Nội) đang học lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương có lịch kiểm tra cuối năm môn Lịch sử và Địa lý bằng hình thức trực tuyến.
Trước đó, tối ngày 3/8, và sáng ngày 4/8, bé đã hoàn thành các bài kiểm tra cuối năm môn Tiếng Anh và Khoa học cũng bằng Google form. Hai môn Toán và Tiếng Việt được xếp lịch thi tới tận ngày 5/8.
Lịch kiểm tra trực tuyến cuối năm của học sinh khối 4 Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương, Hà Nội |
Chị Hằng cho biết khi đợt dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 5, lớp con chị chưa kịp thi môn nào đã phải nghỉ học.
“Tưởng rằng học sinh có thể trở lại trường vào ngày 10/7 thì con sẽ thi, không ngờ lại nghỉ học tiếp. Đến cuối tuần trước, cô giáo mới cho họp phụ huynh và thông báo lịch kiểm tra cuối năm cho các con”.
Việc học sinh Hà Nội phải dừng đến trường suốt từ đầu tháng 5 và nghỉ hè từ ngày 15/5 đến nay đã khiến nhiều phụ huynh bối rối. Nhiều trường tổ chức cho học sinh thi trực tuyến hoặc tiếp tục chờ đợi.
Tuy nhiên, khi cả tháng 7 đã qua mà ngày trở lại trường của học sinh vẫn bỏ ngỏ, Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương cùng rất nhiều các trường công lập và cả tư thục trên địa bàn Hà Nội đã phải gấp rút cho học sinh kiểm tra cuối học kỳ bằng hình thức trực tuyến để có thể “chốt sổ” năm học 2020-2021.
Một câu chuyện khá lạ cũng được nhắc tới trong mấy ngày qua là nhiều học sinh lớp 5 trong khi chưa hoàn thành năm học cũ đã bắt đầu bước vào học lớp 6 ở các trường tư thục. Nguyên do là các trường tư thục được thực hiện theo Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT, được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/năm so với các trường phổ thông công lập cùng cấp học. Thế nên, nếu các trường công tựu trường vào 1/9, thì trường tư được phép cho học sinh học trước 4 tuần – tức là từ 1/8.
Trong khi đó, do dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, đến đầu tháng 8, TP.HCM mới quyết định điều chỉnh thời gian tuyển sinh lớp 1 và lớp 6. Theo đó, thời gian tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 sẽ kết thúc trước ngày 19/8.
Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP.HCM quyết định hoãn đợt thi vào lớp 10 hồi đầu tháng 6.
Sau một thời gian lần chần “chờ thi”, nhưng với tình hình dịch bệnh căng thẳng của thành phố, ngày 3/8 UBND TP.HCM phải “chốt” các phương thức xét tuyển vào lớp 10 năm 2021. Dự kiến tới ngày 20/8 mới công bố kết quả.
Bắc Ninh cũng từng là điểm nóng về dịch Covid-19 nhưng nhiều ngày qua đã không phát sinh ca bệnh mới trong cộng đồng. Vì vậy, mới chỉ cách đây 1 tuần – ngày 28/7, Sở GD-ĐT Bắc Ninh có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho phép học sinh không thuộc diện F0, F1, F2, không ở những nơi bị phong tỏa hoặc thực hiện cách ly xã hội được trở lại trường để hoàn thành năm học 2020-2021.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ cho phép học sinh lớp 5 trên địa bàn thành phố trở lại trường để hoàn thành kiểm tra, đánh giá cuối năm học 2020-2021.
Khai giảng online?
Mặc dù còn 1 tháng nữa mới tới ngày khai giảng, nhưng với tình hình hiện nay, một lễ khai giảng online là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhiều ý kiến lo ngại, song các nhà trường và nhiều phụ huynh cho rằng, cần bình tĩnh để tiếp tục thích nghi với những tác động của dịch Covid-19.
Chị Thanh Thúy (Quận 1, TP.HCM) có con năm nay lên lớp 2 tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm bày tỏ sự lo lắng.
“Năm ngoái, con vào lớp 1 học theo chương trình mới nhưng thời gian đầu cũng rất vất vả dù được đến trường. Năm nay, với tình hình dịch bệnh, tôi cho rằng đến thời điểm 5/9 học sinh vẫn khó lòng trở lại trường. Mà nếu vẫn khai giảng, các con sẽ phải học trực tuyến sẽ rất khó cả cho giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh vì lại tiếp tục triển khai sách lớp 2 mới”.
Anh Tuấn Anh (Quận 12, TP.HCM) có con vào lớp 6 cũng rất băn khoăn: “Năm nay, học sinh lớp 6 sẽ học theo chương trình và SGK mới. Các con lại vừa chuyển cấp, trường lớp mới, bạn bè, thầy cô mới mà chỉ gặp nhau trên máy tính thì rất buồn”.
Học sinh TP.HCM trong ngày khai giảng năm học 2020-2021 |
Mặc dù vậy, nhiều giáo viên và phụ huynh tỏ ra bình tĩnh. Chị Mai Thanh (Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ chị và con đã chuẩn bị sẵn tâm thế cho việc học online.
“Mình cũng biết là học online có điểm hạn chế, nhưng không phải không có ưu điểm. Dịch bệnh thế này là điều chả ai muốn, nhà trường và thầy cô cũng rất tâm huyết để dạy dỗ cho các con, để soạn 1 bài giảng, để nghĩ ra ‘trò’ tương tác với các con trên lớp, các thầy cô cũng vất vả lắm. Nhìn vậy nên mình và con cũng phải cố gắng” – chị Thanh nói.
Còn anh Tiến (Ba Đình, Hà Nội) có con học lớp 7 và lớp 3 thì hoàn toàn ủng hộ khi trường tư mà con anh theo học đã bắt đầu tổ chức học online từ tháng 8. Theo anh Tiến, vì làm việc ở nhà nên bố mẹ cũng phần nào hỗ trợ thêm được cho các con, còn hơn để bọn nhỏ chúi mũi vào máy tính, ti vi, ipad…
Bản thân anh Tiến cũng xúc động vì sự hỗ trợ của các giáo viên.
“Tôi thấy cô giáo chủ nhiệm, giáo viên toán, tiếng Anh… rất vất vả, để ý các con từng li từng tí. Ở lớp con gái nhỏ, cô giáo chia ca, rồi xen lẫn bài học là nhiều trò chơi khá sinh động như Chiếc nón kỳ diệu khiến con và các bạn khá là vui vẻ. Có lúc xem con học, tôi bất ngờ vì không như tưởng tượng của mình là ôm máy tính học rất chán. Vì vậy, theo tôi nghĩ quan trọng là nhà trường phân bổ thời gian hợp lý và giáo viên chịu khó để có phương pháp tốt” – anh Tiến nói.
Trong khi đó, một hiệu trưởng ở Nam Từ Liêm cho hay, bà và đồng nghiệp tất nhiên cũng không tránh khỏi những lo lắng, đặc biệt với lứa học sinh vào lớp 1, lớp 6 và lứa học sinh cuối cấp (lớp 9, lớp 12). Mặc dù vậy, thầy cô, gia đình, học sinh đều cần cố gắng để thích nghi với điều này.
“Phụ huynh cần bình tĩnh, phối hợp với nhà trường để hướng dẫn, hỗ trợ cho các con. Sau 2 năm học online vì dịch Covid-19, nhìn chung các nhà trường và giáo viên đã thích nghi và có kinh nghiệm, sử dụng thiết bị công nghệ thành thạo hơn, điều chỉnh phương pháp giảng dạy nên không còn bỡ ngỡ như trước” – vị hiệu trưởng này nói.
Hôm qua (4/8), Bộ GD-ĐT đã có văn bản ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định một số mốc thời gian cụ thể như: Thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1/9, riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23/8; Thời gian tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2021…
Theo công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Nguồn: vietnamnet