Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – trưởng bộ phận thường trực chống dịch của Bộ Y tế tại TP.HCM – cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí ngày 16-7.
Ông Sơn cho rằng việc thực hiện chỉ thị 16 trên một địa bàn rộng lớn và phức tạp như TP.HCM sẽ còn nhiều khó khăn, phải chuẩn bị đầy đủ tất cả các phương án, kể cả việc kéo dài thời gian hoặc kéo dài một số nội dung của chỉ thị 16 để chống dịch đạt được hiệu quả. Ông Sơn nói:
– Qua theo dõi trong một tuần qua, chúng tôi nhận thấy các biện pháp của chính quyền, hệ thống chính trị những ngày gần đây càng được tăng cường mạnh mẽ, việc giãn cách đã được thực hiện nghiêm túc ở các địa bàn thuộc TP. Tôi hy vọng dịch sẽ giảm dần. Khi dịch giảm chúng tôi cũng đề nghị TP không nên dừng đột ngột chỉ thị 16, mà lui từng bước một rồi về trạng thái bình thường mới.
* Những ngày vừa qua, số ca mắc và tử vong ở TP.HCM tăng cao hơn nhiều địa phương khác. Những ngày tới, làm sao để giảm dần số ca mắc, số ca nặng?
– Chắc chắn số ca mắc sẽ không dừng ở đây, sẽ đi lên một thời gian nữa rồi mới ghìm xuống được, vì vừa rồi đã xét nghiệm sàng lọc ở những vùng nguy cơ cao và rất cao, nhưng phải sàng lọc một lần nữa bằng các test nhanh để phát hiện F0 càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, rất cần sự hỗ trợ và tăng cường về năng lực y tế, bởi giai đoạn này không chỉ là phát hiện, truy vết, phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch, mà chúng ta phải giảm thiểu nguy cơ của dịch, bằng cách tăng cường nguồn lực về thu dung, điều trị bệnh nhân, cũng như chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị, vật tư. Đây là nhiệm vụ mà tôi cho là rất quan trọng với ngành y tế TP.HCM.
* Theo đánh giá của ông, TP.HCM có đảm đương được trong tình hình số bệnh nhân sẽ còn tăng cao?
– Nếu tính phương án điều trị 30.000 bệnh nhân thì TP đáp ứng được, với điều kiện vẫn phải có sự hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị vật tư. TP cũng đã chủ động xây dựng phương án ghi nhận đến 100.000 bệnh nhân, lúc đó thì sẽ khó khăn. Trong điều kiện đó trung ương cũng phải có biện pháp cụ thể hỗ trợ TP.HCM.
* Theo ông, các tỉnh phía Nam hiện đã ở đỉnh dịch hay chưa, khi con số những ngày gần đây đều rất cao?
– Số ca mắc đang leo thang, nhưng nếu đánh giá đã ở đỉnh hay chưa thì phải vài ngày tới chứ hiện chưa thể nói được, vì dịch còn phức tạp.
* Những ngày gần đây số bệnh nhân nặng tăng cao, có cảm giác như ngành y tế đang căng mình chống dịch. Ông thấy ngành y tế còn “chịu đựng” được?
– Ngành y tế ở TP.HCM đã vào cuộc rất tích cực. Đã xây dựng bệnh viện hồi sức 1.000 giường với 100 máy thở, một số bệnh viện đã bố trí thêm 200 giường hồi sức/bệnh viện. Vì thế trong thời gian sắp tới tôi cho là vẫn đang đảm đương được. Các trường hợp tử vong ở TP.HCM, cũng như ở các địa phương khác, đa số là bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nền, bệnh lý ác tính.
Chúng ta đang tập trung năng lực y tế để điều trị cho người bệnh, theo hướng khi họ bắt đầu có triệu chứng thì không để họ trở nặng, khi bệnh trở nặng thì cố gắng không để phải lên hồi sức và khi đã lên hồi sức thì cố gắng không để tử vong.
Người dân cần chấp hành nghiêm chỉ thị 16
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay trước đây việc xác định F0 áp dụng theo tiêu chuẩn RT-PCR nhưng mất quá nhiều thời gian nên phải chuyển hướng sử dụng test nhanh, “quét qua quét lại” khu vực nguy cơ cao để có thể tìm ra F0 và truy vết nhanh nhất.
Theo ông Sơn, số ca COVID-19 của TP.HCM được phát hiện tăng cao những ngày qua, chứng tỏ hiệu quả của các biện pháp truy vết, cách ly, khoanh vùng đang đi đúng hướng. “Người dân nên tin tưởng vào sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, lãnh đạo TP.HCM trong tình hình hiện nay. Hãy cùng đồng lòng, chung tay bằng cách chấp hành đúng, nghiêm chỉnh khuyến cáo trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cũng như quy định của chỉ thị 16” – ông Sơn nói.
Nguồn: tuoitre.vn