Tết chưa tới nhưng thầy cô ở nhiều trường miền núi Quảng Ngãi đã phải lo chống lại tình trạng học sinh ‘rơi rụng’ sau tết.
Nói như các thầy cô ở đây, năm nào cũng bám làng cả tuần năn nỉ, thuyết phục thì phụ huynh, học sinh mới “thấm” mà trở lại lớp học.
Vận động từng chỗ
Sâu tít trong núi là ngôi trường THCS của hai xã Ba Lế, Ba Vinh (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi). Khi học kỳ 1 vừa kết thúc, 246 học sinh Trường THCS Ba Vinh đã được thầy cô động viên tư tưởng.
Theo hiệu trưởng nhà trường Trần Ngọc Lựu, rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay trước khi nghỉ tết, ban giám hiệu đã thống nhất với tất cả giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách các điểm thôn, bản phải chịu trách nhiệm huy động học sinh ra lớp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các em ý thức hơn.
Bên cạnh đó, nhà trường thành lập tổ tư vấn, lập danh sách nhóm học sinh có nguy cơ bỏ học cao sau tết, tổ chức cho giáo viên gặp gỡ phụ huynh, tuyên truyền, vận động họ ký cam kết cho con em quay lại trường học tập sau kỳ nghỉ tết.
Người Hre có tập tục ăn tết rất dài ngày, hết nhà này đến nhà khác mổ heo đãi làng. Chính tập tục này đã kéo học sinh không trở lại lớp học sau tết. Ở vùng này, thầy cô nào cũng có thể chỉ đúng những học sinh có phụ huynh chỉ ham rượu, chẳng thiết tha gì con chữ cho con mình.
Thầy Phạm Vinh Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 7A Trường THCS Ba Vinh, kể: “Do đã nắm được lịch chơi tết của làng nên chúng tôi dặn dò phụ huynh đủ kiểu để họ nhắc nhở học sinh ra lớp. Với những phụ huynh cá biệt thì mình tâm sự với trò như anh chị bạn bè vậy. Chúng quý mình thì chúng ra lớp, chứ không cần phải vào tìm”.
Tại các huyện Sơn Tây, Tây Trà, tình trạng học sinh bỏ học sau kỳ nghỉ tết cũng trở thành nỗi khổ tâm của thầy cô. Dù không ăn tết theo làng kéo dài như người Hre, nhưng với người Cadong, sau tết sẽ trúng vụ đót. Hầu hết người Cadong kéo nhau vào núi mưu sinh, họ lôi luôn những đứa con đi cùng để kiếm tiền thay vì đến lớp. Thế là thầy cô phải lội rừng kéo học trò ra khỏi cây đót.
Thầy Nguyễn Quốc Đại, giáo viên Trường THCS Trà Lãnh, huyện Tây Trà, cho biết: “Năm nay, trước tết chúng tôi đã đến từng điểm mua đót, gặp từng phụ huynh nói rõ con em họ cần có cái chữ hơn là tiền.
Mình tận tâm thì mọi người hiểu, chủ các điểm mua đót cam kết sẽ nói những em ở tuổi đến trường ra lớp giúp nhà trường. Phải làm vậy chứ không sau tết lên dạy có lớp chỉ loe hoe vài trò”.
Cuộc vui ở trường thay ở làng
Nhiều trường có nhà bán trú thì trong những ngày tết thầy cô sẽ tổ chức các nhóm học, bổ túc kiến thức cho trò. Ngoài ra, các thầy cô còn nghĩ ra một cách mới – tổ chức cuộc vui ở trường thay ở làng. Trước tết, nhà trường thông báo sẽ tổ chức các đợt lễ hội dành cho trò trong những ngày tập trung sau tết, chứ không phải đến trường đi học.
Thầy Nguyễn Hải Dương, phó hiệu trưởng Trường THCS Ba Lế, cho biết: “Sau tết, trường sẽ tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, thi hát, thi nấu các món ăn truyền thống mang bản sắc dân tộc, chơi các trò chơi dân gian… nhằm tạo sân chơi hấp dẫn để thu hút học sinh ra lớp.
Ngày đầu tiên chúng tôi sẽ tập hợp học trò ở nhà bán trú, sau đó tổ chức các trò chơi tập thể. Các em sẽ có ngày hội mùa xuân cho mình, tạo không khí gần gũi, thân mật và yêu quý trường lớp hơn”.
Tùy từng cấp học mà thầy cô có cách “dụ” học trò ra lớp khác nhau. Tại xã vùng cao Sơn Long (huyện Sơn Tây) học sinh cấp I sẽ ra lớp ăn tết cùng thầy cô, cấp II có hoạt động thể thao, văn nghệ.
Cậu học trò Đinh Văn Hia (lớp 5 Trường tiểu học Sơn Long) vui vẻ nhớ lại: “Năm ngoái con ra lớp đúng ngày có quà bánh và được xem văn nghệ nữa. Năm nay thầy cô cũng hứa sẽ mang bánh kẹo lên cho tụi con, nên con sẽ ra lớp đúng ngày để nhận quà”.
Thôi cảnh lên rừng “bắt” trò
Thầy Nguyễn Tía, giáo viên Trường THCS Đinh Tiên Hoàng, huyện Sơn Tây, cho biết: “Nhờ nhiều cách làm để kéo trò đến trường mà dịp tết năm ngoái có đến 95% học sinh đến lớp, giáo viên không cần vào làng vận động. Với cách cho học sinh vui chơi thoải mái trong những ngày sau tết, nhiều trường sẽ không mất học trò đầu năm mới. Cứ cho các em chơi tại trường rồi bắt đầu học thì sẽ thôi cảnh lên rừng “bắt” trò”.
Nguồn: tuoitre.vn