Chưa giàu đã già

15:29 28/03/2023  Tổng hợp

Nếu tìm hình ảnh khắc họa tình cảnh người lao động sau hai năm đại dịch, có lẽ không nơi nào phù hợp hơn trụ sở bảo hiểm xã hội (BHXH). Từ năm 2021 đến nay, những cơ quan này luôn túc trực hàng dài người lao động thức trắng đêm chờ lấy BHXH một lần.

Lũ lượt rút BHXH

Trong hai năm 2020 và 2021, lần đầu tiên số người rút bảo hiểm một lần vượt quá số người tham gia, lần lượt là 761 nghìn và 863 nghìn người. Tính cả năm 2022, gần 5 triệu người rút một lần trong giai đoạn 2016-2022.

Với quy định người lao động chỉ được rút BHXH sau một năm thất nghiệp, con số này chắn chắn sẽ không dừng lại trong năm nay, khi làn sóng sa thải công nhân ở khu công nghiệp tăng mạnh vào nửa cuối 2022.

Hiện tượng trên nói lên nhiều điều. Về ngắn hạn, nó cho thấy sự thất bại của hệ thống an sinh làm giá đỡ cho người lao động lúc khó khăn, bất chấp nhiều nỗ lực chính sách trong hai năm đại dịch. Sử dụng tiền bảo hiểm một lần là dùng thu nhập tương lai chi tiêu cho hiện tại. Như một số người lao động chia sẻ, hiện tại không đủ miếng ăn thì còn ai dám nghĩ đến tương lai?

Về dài hạn, nó đặt ra những vấn đề nan giải khi Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Một mặt, hệ thống an sinh, đặc biệt là BHXH, sẽ không đủ khả năng gồng gánh chi phí phúc lợi của một đất nước “già”, nếu tiếp tục vận hành như hiện tại.

Mặt khác, với hàng triệu lao động vừa bước ra khỏi hệ thống an sinh, việc đảm bảo thu nhập đủ tích lũy cho tuổi già là thách thức lớn. Với họ, đó là câu chuyện của 20 năm sau mà không phải ai cũng đủ sức lực quan tâm.

Nhưng với những nhà hoạt định chính sách, đây là vấn đề mang tính bản lề để đảm bảo cho một xã hội bền vững và an toàn.

Tính cả năm 2022, gần 5 triệu người rút một lần trong giai đoạn 2016-2022. 

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), với phương án trung bình, nhóm dân số 65 tuổi trở lên sẽ tăng từ 7,1% năm 2014 lên 18,1% năm 2049, tương đương 20 triệu người.

Với mức 65% người già không có lương hưu như hiện tại, gánh nặng an sinh cho nhà nước và xã hội sẽ vô cùng lớn. Số liệu từ Tổng điều tra Dân số giữa kỳ của Tổng cục Thống kê, có đến 16,4% người trên 80 tuổi đang phải sống một mình. Con số này sẽ đáng sợ hơn nếu biết rằng 1/3 trong số họ có “điều kiện sống thấp”.

Điều đáng lo hơn, là Việt Nam sẽ “già trước khi giàu”. Nói nôm na, chúng ta sẽ không tích lũy đủ để chuẩn bị cho giai đoạn già hóa, khi tăng trưởng suy giảm, lực lượng lao động bắt đầu thiếu hụt, trong khi chi phí an sinh xã hội tăng lên nhanh chóng cho cả nhà nước và hộ gia đình.

Tỷ số dân số phụ thuộc là người già của Việt Nam đã cao thứ ba trong nhóm nước ASEAN, khoảng 10% vào năm 2015 và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm nữa. Dân số trong độ tuổi lao động đã giảm kể từ năm 2014 và xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục cho đến năm 2042, khi thành phần này không còn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng dân số.

Viễn cảnh đó đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động ngay để kịp chuẩn bị cho những chuyển dịch về cơ cấu dân số. Nhưng ngoài những chỉ đạo miệng và các nghị quyết chung, chúng ta chưa thực sự có một kế hoạch rõ ràng.

Bảo hiểm xã hội, hệ thống an sinh quan trọng nhất để thích ứng với già hóa, vẫn loay hoay sau nhiều lần sửa đổi. Hiện hệ thống mới chỉ bao phủ 38% lực lượng lao động, trong khi số người xin rút tăng mạnh sau đợt dịch vừa qua.

Những bước đi cấp bách

Bộ Lao động cho rằng đến năm 2034, lúc chúng ta chính thức “già”, quỹ BHXH sẽ không đủ chi trả nếu không có nguồn đóng góp của ngân sách nhà nước. Với một hệ thống quỹ BHXH có mức đóng góp cao nhất Châu Á và có quy mô khoảng 36 tỷ USD, đây là điều khó chấp nhận.

Điều đáng lo ngại Việt Nam sẽ “già trước khi giàu”. 

Chuyển dịch cơ cấu lao động sang những ngành có năng suất cao hơn vẫn là giấc mơ trên giấy, trong khi chính sách hiện tại vẫn chung thủy với lao động giá rẻ.

Đó không chỉ là câu chuyện về năng suất: một lao động có kỹ năng cao, làm việc trong những ngành có giá trị gia tăng lớn, khả năng mất việc làm sẽ thấp hơn. Với những lao động giản đơn, việc bị doanh nghiệp “vắt chanh bỏ vỏ” khi bước qua tuổi sung sức không còn là hiện tượng đơn lẻ.

Báo cáo Lao động – Việc làm của Tổng cục Thống kê cho thấy số việc làm phi chính thức cao hơn đáng kể ở các nhóm tuổi trên 35. Trong khi nhóm tuổi 24-35 có tỷ lệ việc làm phi chính thức ở mức 47%, tỷ lệ này ở nhóm tuổi 35-40 là 53%, 59% đối với nhóm tuổi 40 – 44, và 63% đối với nhóm tuổi 44 – 55.

Dân số 100 triệu và nguy cơ ‘chưa giàu đã già’Việt Nam sẽ đón công dân thứ 100 triệu chào đời và đang ở trong thời kỳ dân số vàng kéo dài từ 2007 đến 2039. Liệu nguy cơ “chưa giàu đã già” có phải là định mệnh với đa số chúng ta?

Với những lao động “thất nghiệp tuổi 35”, tìm việc làm mới là vô cùng khó khăn. Họ sẽ phải kiếm sống qua ngày trong khu vực kinh tế phi chính thức với thu nhập thấp hơn, trong khi gánh nặng “trẻ cậy cha, già cậy con” từ gia đình tăng lên.

Nếu không được doanh nghiệp nào khác nhận, không có gì khó hiểu khi phần lớn số lao động này chọn rút bảo hiểm một lần. Lựa chọn khác, chờ 25 năm sau để nhận lương hưu với cuộc sống bấp bênh, chỉ tồn tại trong giả thuyết của người làm chính sách. Phần lớn họ sẽ bước vào tuổi nghỉ hưu với rất ít hoặc không có khoản tiết kiệm dự phòng nào.

Nhìn xa hơn, cải cách thị trường lao động là một phần của yêu cầu cải cách toàn bộ nền kinh tế, với mục tiêu đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Thu nhập bình quân đầu người của nước ta hiện tương đương 40% mức trung bình thế giới, còn cách xa so với mức thu nhập trung bình cao. Mức thu nhập đó không thể đảm bảo cho một xã hội già hóa.

Áp lực “già trước khi giàu”, vì thế, nên là một phần động lực để tiếp tục cải cách thế chế, làm thông thoáng môi trường kinh doanh, và khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và làm giàu.

Song song với những bước chuyển trong chiến lược “già hóa”, cần học hỏi thêm kinh nghiệm của những quốc gia tương đối thành công trong quá trình chuyển dịch dân số.

Ở châu Á, không có ví dụ nào tiêu biểu hơn là Nhật Bản. Quốc gia này hiện có tỉ lệ người trên 65 tuổi đạt 25% dân số, và đang tiến đến mốc 40% vào năm 2060. Dù vẫn phải đối diện nhiều vấn đề, Nhật Bản xây dựng thành công một xã hội thân thiện với người già, có hệ thống an sinh tốt, và một nền kinh tế đủ sức chống chịu khi lực lượng lao động suy giảm. Một ví dụ khác là Singapore, nơi hệ thống bảo hiểm xã hội vận hành hiệu quả, đóng góp lớn vào việc đảm bảo phúc lợi cho người lao động.

Già hóa là định mệnh mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải trải qua. Nhưng chuẩn bị cho tuổi già chu đáo hay không là lựa chọn chính sách. Thời gian vẫn còn đủ, nhưng nếu không bắt đầu từ hôm nay, một tuổi già đầy bất trắc sẽ chờ đợi chúng ta sau chưa đầy 20 năm nữa.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : người lao độngrút bảo hiểm xã hội một lần

Các tin liên quan đến bài viết

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP 24H BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Khắc Hoàn
Hoạt động theo giấy phép: Số 05/GP-TTĐT ngày 04/11/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước
Địa chỉ Ban biên tập: Khu phố 5, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Điện thoại: 0916.921.160 Email: 24hbinhphuoc@gmail.com

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
CỬA HÀNG DỊCH VỤ - TRẦN QUÂN
Địa chỉ: Kp 5, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Liên hệ quảng cáo: 0986.594.211 - 0916.921.160