Hiện có một công trình tìm DNA tự do trong máu của người bệnh, từ đó xác định ung thư nhưng đề tài này mới ở dạng nghiên cứu, chưa phát triển thành dịch vụ cung cấp cho người có nhu cầu.
Chia sẻ về việc hiện nhiều quảng cáo có thể phát hiện sớm ung thư thông qua xét nghiệm máu đang thu hút sự chú ý của người dân, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện chưa có nhiều loại ung thư có thể sàng lọc sớm thông qua công cụ này.
Theo PGS Phương, hiện có một công trình tìm DNA tự do trong máu của người bệnh, từ đó xác định ung thư nhưng đề tài này mới ở dạng nghiên cứu, chưa phát triển thành dịch vụ cung cấp cho người có nhu cầu.
“Có 1-2 loại ung thư có thể xét nghiệm máu để phát hiện, nhưng phải ở giai đoạn muộn hơn, còn giai đoạn sớm thì các chất chỉ điểm khối u không tăng” – bà Phương cho hay.
Hiện tại Việt Nam đã có một số kỹ thuật phát hiện sớm ung thư đang ứng dụng có hiệu quả. Trong đó với ung thư vú, từ 7-8 năm về trước phần lớn người bệnh đến bệnh viện ở giai đoạn muộn. Nhưng nhờ các chương trình sàng lọc phát hiện sớm, hiện tỉ lệ người đến bệnh viện ngay giai đoạn đầu của bệnh là cao hơn, hiệu quả điều trị do đó tốt hơn.
Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị ung bướu hiện đang triển khai chương trình sàng lọc sớm bệnh ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới, mục tiêu cũng là nâng cao nhận thức về căn bệnh này, nhằm thúc đẩy nam giới (từ 45 tuổi nếu gia đình có người thân đã mắc bệnh, các nhóm còn lại từ 50 tuổi trở lên) kiểm tra định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Hiện có đến 80% bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến đến bệnh viện ở giai đoạn muộn của bệnh.
Nguồn: tuoitre.vn