Đại tá Lê Vinh Quy, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết vẫn tiếp tục lấy lời khai bà Loan và những người liên quan, chưa áp dụng các biện pháp hình sự.
Chiều 19-4, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định cơ sở bà Loan có hành vi dùng “hỗn hợp vỏ cà phê trộn sỏi nhuộm pin” đóng bao đưa đi tiêu thụ.
Đến nay cơ quan công an mới chỉ ghi nhận lời khai của bà Loan là đã bán 3 tấn “cà phê pin” đi Bình Phước; đang tiếp tục đấu tranh làm rõ động cơ, mục đích…
“Thông cáo báo chí chính thức” của UBND tỉnh Đắk Nông vào chiều 19-4 nêu rõ, bằng các biện pháp nghiệp vụ, từ chiều 15 đến 17-4, Phòng Cảnh sát môi trường (PC49) Công an Đắk Nông đã bắt quả tang bà Nguyễn Thị Thanh Loan (43 tuổi, trú thôn 13, xã Đắk Wer, Đắk R’lấp, Đắk Nông) sử dụng dung dịch màu đen là hỗn hợp giữa nước và than pin.
Dung dịch này sau đó được bà Loan dùng máy trộn bêtông trộn đều với hỗn hợp vỏ, vụn cà phê với đá, sỏi (0,5-1mm) này lại với nhau, sau đó đem sấy khô, đóng bao đưa đi tiêu thụ.
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, PC49 tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng đê đấu tranh, làm rõ bà Loan đã tiêu thụ các hỗn hợp nêu trên ở đâu, số lượng bao nhiêu? Mục đích sử dụng những hỗn hợp này vào việc gì? Có sử dụng những hỗn hợp này để sản xuất thực phẩm làm đồ uống hay không…
Chiều cùng ngày, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, đại tá Lê Vinh Quy, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, cho biết bà Loan mới khai nhận chỉ bán khoảng 3 tấn phế phẩm cà phê cho một người ở tỉnh Bình Phước, ngoài ra chưa khai bán ở đâu khác.
Cơ quan công an cũng chưa áp dụng biện pháp hình sự nào đối với vợ chồng bà Nguyễn Thị Thanh Loan và người làm thuê tại cơ sở.
“Đơn vị cũng đang đấu tranh với bà Loan để làm rõ mục đích, động cơ sơ chế phế phẩm cà phê này. Vụ việc này đã xuất hiện nhiều tình tiết mới, công an tỉnh cũng đang cho điều tra làm rõ những tình tiết này nên chưa thể thông tin cụ thể”, đại tá Quy nói.
Trước đó, sáng 19-4, gặp mặt các cơ quan báo chí, bà Loan thừa nhận có nhuộm pin vào vỏ cà phê trộn đá nhưng cho biết mình làm như vậy là “theo đơn đặt hàng của một người, nay không thấy đến lấy hàng, không liên lạc được”.
Bà Loan và chồng cho rằng từ năm 2016 bà có đăng ký kinh doanh thu mua nông sản “chỉ với mục đích để vay mượn ngân hàng lấy vốn làm ăn”, nghề mua các phế phẩm cà phê thực tế không cần đăng ký.
Bà Loan cũng thừa nhận đã mua 3 triệu tiền pin (mới) về đập bể lấy than pin để hòa vào nước để nhuộm đen 3 tấn phế phẩm cà phê. Ba tấn “cà phê pin” nêu trên, bà Loan nói đã bán cho “một phụ nữ không rõ địa chỉ, số điện thoại” lấy 9 triệu đồng.