Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đang quyết liệt thực hiện mục tiêu kép. Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, trọng tâm là chuyển đổi số, kinh tế số.

Sáng 8/12, kỳ họp HĐND TP.HCM bước vào ngày làm việc thứ 2 với phiên trả lời chất vấn của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong

Đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số

Đặt câu hỏi chất vấn, cử tri Phạm Quốc Bảo yêu cầu Chủ tịch Nguyễn Thành Phong giải trình các giải pháp phục hồi kinh tế trong tình hình vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

Chủ tịch TP.HCM: Kinh tế số là trọng tâm hàng đầu của nhiệm kỳ tới
Cử tri Phạm Quốc Bảo chất vấn Chủ tịch UBND TP.HCM.

Trao đổi với cử tri, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho biết, chống dịch là ưu tiên hàng đầu, nhưng phải tập trung phát triển kinh tế.

Theo ông Phong, khi dịch bệnh diễn ra, TP luôn có những gói hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ, chiếm đa số của TP.

Ngoài ra, TP cũng đề xuất Trung ương các gói chính sách hỗ trợ như: miễn, giảm các loại thuế, cho vay các gói ưu đãi lãi suất thấp, 0%…chặn đà suy thoái và phá sản của các DN ảnh hưởng dịch Covid-19.

TP cũng tập trung thúc đẩy du lịch nội địa, thúc đẩy đầu tư công, giải ngân đầu tư công để phát triển kinh tế.

Nhưng ở tầm vĩ mô, TP đang quyết liệt triển khai chương trình chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp… để từ đó, thực hiện mục tiêu hóa cụ thể kinh tế số trong nhiệm kỳ tới. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP và tăng đều đến năm 2030.

Chủ tịch TP.HCM: Kinh tế số là trọng tâm hàng đầu của nhiệm kỳ tới
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong: Kinh tế số là trọng tâm hàng đầu của nhiệm kỳ tới.

“Đề án này TP đã giao cho Phó chủ tịch Dương Anh Đức chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT, Cục Thống kê định lượng và đánh giá các chỉ tiêu, thành tố nào của kinh tế số đóng góp vào GDP Quốc gia và GRDP TP”, ông Phong cho hay.

Chủ tịch TP.HCM: Kinh tế số là trọng tâm hàng đầu của nhiệm kỳ tới
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức trao đổi về kinh tế số. 

Kiểm soát tốt 3 đợt bùng phát dịch

Về phòng chống dịch Covid-19, theo ông Phong, từ 23/1/2020 đến nay, TP ghi nhận 142 ca nhiễm Covid-19, trong đó 32 ca trong cộng đồng và 110 ca nhập cảnh; cách ly tập trung 35.799 người, xét nghiệm 194.384 mẫu.

Chủ tịch TP.HCM: Kinh tế số là trọng tâm hàng đầu của nhiệm kỳ tới
TP.HCM tăng cường xét nghiệm, ngăn chặn và kiểm soát dịch Covid-19. 

Tính từ ngày đó, TP xuất hiện ba làn sóng dịch Covid-19. Đợt 1, khi xuất hiện 3 trường hợp đầu tiên, trong 10 ngày truy vết, khoanh vùng, đã kiểm soát tốt, không lây lan. Tiếp đó, xuất hiện ổ dịch tại quán bar Buddha (quận 2) lây cho 18 người.

Đợt thứ 2 từ 28/7 đến 4/8, ca bệnh xuất hiện trong cộng đồng do lây từ người đi Đà Nẵng về.

Làn sóng thứ 3 từ 28/11-1/12, xuất hiện 4 ca tronng cộng đồng lây từ BN 1342 là tiếp viên hàng không.

“Như vậy, sau 122 ngày không có ca nhiễm, làn sóng dịch thứ 3 xuất hiện, nhưng đến nay cơ bản đã khống chế được. Việc chống dịch hiệu quả, kiểm soát tốt là nhờ toàn TP vào cuộc với tinh thần cao, sự đồng lòng của người dân”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, từ đây đến 2021, TP xem công tác chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, gắn với mục tiêu kép là phát triển kinh tế. Cả hệ thống chính trị tiếp tục phòng chống bệnh; cán bộ, công chức phải gương mẫu, đi đầu, không chủ quan, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan ra công đồng, nhất là tại trường học, chợ, siêu thị, bệnh viện…

Trao đổi thêm với VietNamNet, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, cho biết hiện nay kinh tế số chưa có chỉ số để đánh giá mức tăng trưởng, vì đây là vấn đề mới.
“Mình nói rằng, kinh tế số sẽ đóng góp 25% GDP đến năm 2025 thì phải hiểu được thế nào là kinh tế số, phải định nghĩa cho được những thành tố nào đóng góp từ kinh tế số, hiện nay những vấn đề này cả TP lẫn Quốc gia chưa có”, ông Đức cho biết.
Cũng theo ông Đức, TP.HCM đề nghị phối hợp với Bộ TT&TT, Cục Thống kê và mời thêm các chuyên gia kinh tế và công nghệ phân tích. Khi đó, sẽ tính được kinh tế số đóng góp vào GDP Quốc gia hay GRDP của các tỉnh, thành. Cần xác định sớm trong năm 2021, lúc đó mình mới nói là kinh tế số đóng góp được bao nhiêu phần trăm.
Ông Đức cũng nói thêm, chuyển đổi số ngày nay không chỉ là xu thế về công nghệ trên toàn cầu mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế, xã hội.
Theo đề án, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; tối thiểu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, thông tin của người dân, DN được số hoá và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu TP.
Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bùng phát dịchCOVID-19cử trikinh tế sốTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết