Ông Tam Yiu Chung, đại diện của Hong Kong tại Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc, xác nhận Trung Quốc đã thông qua cải cách bầu cử ở đặc khu này.

Chủ tịch Tập Cận Bình ký sắc lệnh cải cách bầu cử Hong Kong, có hiệu lực từ 31-3 - Ảnh 1.

Thông tin tuyên truyền về cải cách hệ thống bầu cử ở Hong Kong ngày 26-3 

Hãng tin AFP ngày 30-3 dẫn lời ông Tam, đại diện duy nhất của Hong Kong tại Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cho biết quyết định được 167 thành viên của ủy ban thông qua cùng ngày và sẽ có hiệu lực từ 31-3.

Tân Hoa xã cũng xác nhận các thay đổi đã được công bố trong 2 sắc lệnh do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký.

Trước đó, ngày 11-3, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua “quyết định của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc về việc hoàn thiện chế độ bầu cử của đặc khu hành chính Hong Kong”, nhằm đảm bảo chỉ “những người yêu nước” điều hành thành phố này.

Động thái trên mở đường cho sự thay đổi lớn nhất đối với hệ thống bầu cử của Hong Kong kể từ khi Hong Kong được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997.

Đến nay, 7,5 triệu dân Hong Kong vẫn chưa biết rõ chi tiết kế hoạch này. Tuy nhiên, ông Tam đã hé lộ một số thông tin.

Theo luật mới, Hội đồng lập pháp Hong Kong cũng sẽ được mở rộng từ 70 lên 90 ghế. Tuy nhiên, chỉ 20 ghế sẽ được bầu trực tiếp, giảm so với 35 như trước đây, trong khi 40 ghế sẽ do ủy ban bầu cử lựa chọn. Ủy ban bầu cử Hong Kong hiện gồm 1.200 người sẽ được bổ sung 300 người trung thành với Bắc Kinh.

Ông Tam cho biết một ủy ban sẽ được lập để xét duyệt tư cách ứng viên Hong Kong. Ủy ban này sẽ có trách nhiệm xét duyệt và xác nhận tư cách các ứng cử viên cho ghế trong Hội đồng lập pháp, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong và Ủy ban bầu cử Hong Kong.

“Ủy ban An ninh quốc gia và Cảnh sát An ninh quốc gia sẽ cung cấp báo cáo về mọi ứng viên để hỗ trợ ủy ban thẩm định tư cách”, ông Tam nói.

“Cải cách sẽ ngăn chặn một cách hiệu quả những kẻ gây rối ở Hong Kong vào Ủy ban bầu cử và Hội đồng lập pháp thông qua các cuộc bầu cử. Nó sẽ đảm bảo chúng ta bầu ra những người thực sự bảo vệ nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” và có năng lực phục vụ xã hội, công dân, chứ không phải những người gây rắc rối”, ông Tam nói.

Tuy nhiên động thái của Bắc Kinh vấp phải sự phản ứng từ Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price gọi động thái của Trung Quốc là “cuộc tấn công liên tục”, “cuộc tấn công trực tiếp” vào Hong Kong, theo Hãng tin Reuters. Anh nói rằng động thái ngày 11-3 sẽ làm xói mòn thêm niềm tin quốc tế vào Trung Quốc.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cải cách bầu cửHồng Kongký sắc lệnhTập Cận Bình

Các tin liên quan đến bài viết