Ngân sách bố trí cho đầu tư công trong giai đoạn tới cần tính toán đầu tư thêm cho các vùng miền đang chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu như vùng Đồng bằng sông Cửu Long để có các công trình lớn tương xứng.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24-7 về chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc băn khoăn việc nguồn vốn đầu tư công dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu chưa tương xứng.
Dẫn chứng từ vùng ĐBSCL hiện đang là nơi chịu tác động rất lớn từ biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước bày tỏ sốt ruột khi cứ đến mùa mưa lũ lại diễn ra cảnh đau lòng, hàng loạt nhà cửa bị cuốn trôi theo lũ, đe dọa đến tính mạng, đất đai của người dân, nguy cơ mất đất, mất nước.
“Ta phải đầu tư cỡ như Hà Lan, phải lớn chứ nếu đầu tư chắp vá, tạm thời trước mắt thì không ổn. Vùng chịu tác động nhiều nhất do biến đổi khí hậu là ĐBSCL, nếu không có nguồn lực thì hậu quả vài chục năm nữa sẽ rõ hơn”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm cần đầu tư trọng điểm vào những nơi tạo ra giá trị, có tính lan tỏa lớn, mang tính dài hơi hơn, Chủ tịch nước cho rằng đây là điều ý nghĩa để có một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh phức tạp, ứng phó trước tác động của thiên tai, địch họa, dịch bệnh.
Đồng tình chủ trương cắt giảm số lượng dự án để tập trung các vùng quan trọng, Chủ tịch nước vẫn lưu ý đến việc phát triển bao trùm không để ai bị bỏ lại phía sau, cho rằng nhiều khi công trình nhỏ nhưng tác động lớn tới người dân.
“Đơn cử, những câu chuyện, hình ảnh các em học sinh phải bọc mình trong túi nilông để vượt sông đi học, nhiều em thất học… cho thấy những công trình nhỏ ý nghĩa rất lớn vẫn cần phải được quan tâm. Do đó, cần phân cấp, giao quyền thế nào để các tỉnh vùng sâu vùng xa làm những công trình nhỏ nhưng có ý nghĩa dân sinh lớn”, Chủ tịch nước nói.
Cùng với việc dành nguồn lực đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu, đại biểu Lê Thanh Phong (đoàn TP.HCM), chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM, góp ý bổ sung thêm nguồn lực đầu tư ứng phó với dịch COVID-19, đặc biệt là lĩnh vực y tế.
Theo đó, đầu tư hạ tầng cần gắn với phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả sau đại dịch, kết nối hạ tầng, giao thương, thúc đẩy nguồn lực trong nước, hàng hóa sản phẩm để xuất khẩu và tiêu thụ hiệu quả là cần thiết để làm sao mỗi vùng tự phát triển.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho rằng với khối lượng dự án phê duyệt là rất lớn, cần phân cấp trong hoạt động đầu tư, ưu tiên phê duyệt cho các địa phương có năng suất lao động cao, thu ngân sách lớn.
Đồng thời cần tránh tình trạng “vay để rải đều cho các tỉnh sử dụng”, vì có những địa bàn, tỉnh không có khả năng sử dụng, thu hồi vốn khó khăn. Cũng có nghĩa là ưu tiên vốn cho các địa phương có hiệu quả kinh tế cao, cam kết trả được nợ, chứ không phải bàn vay nhưng không hiệu quả, làm tăng nợ công.
Trong tờ trình gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay giai đoạn 2021-2025, tổng vốn cho đầu tư phát triển là 2,87 triệu tỉ đồng, riêng nguồn vốn trung ương là 1,5 triệu tỉ đồng. Số vốn này để triển khai cho khoảng 5.000 dự án, giảm hơn nửa so với số dự án của 5 năm trước.
Thẩm tra kế hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường cơ bản nhất trí với đề xuất nhưng đề nghị hoàn thiện sớm thủ tục đầu tư của nhiều dự án, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 có số vốn dự kiến khoảng 38.738 tỉ đồng.
Nguồn: tuoitre.vn