Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã lái máy cày cùng nhân dân xuống ruộng cầu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Sáng 3/2 (tức mùng 7 Tết), tại xã Đọi Sơn, Duy Tiên, UBND tỉnh Hà Nam đã diễn ra Lễ hội Tịch điền.

Chủ tịch nước lái máy cày trong lễ Tịch điền - ảnh 1Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các đại biểu dâng hương cầu một năm mưa thuận, gió hòa

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Hà Nam; các sở, ban, ngành cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương đã về dự.

Chủ tịch nước lái máy cày trong lễ Tịch điền - ảnh 2Chủ tịch nước lái máy cày khuyến khích người dân công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp

Phát biểu tại lễ hội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định tầm quan trọng, của nông nghiệp, nông thôn là nền tảng, cơ sở vững chắc cho sự phát triển của đất nước. Lễ hội năm nay, phần lễ có các nghi thức: Lễ cáo yết, Lễ rước nước, Lễ sái tịnh, Lễ cầu an, Lễ rước kiệu, Lễ tịch điền, Lễ công bố các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chủ tịch nước lái máy cày trong lễ Tịch điền - ảnh 3 

Phần hội sẽ bao gồm các hoạt động: Giải vật mùa xuân thượng võ tỉnh Hà Nam năm 2017; tổ chức các gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống, các giải thể dục – thể thao; chương trình ca múa nhạc; trò chơi dân gian…

Chủ tịch nước lái máy cày trong lễ Tịch điền - ảnh 4Khai hội Tịch điền với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc

Trong khuôn khổ lễ hội, tỉnh Hà Nam cũng đã phát động “Ngày hội xuống đồng, công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”. Cũng nhân dịp này UBND tỉnh Hà Nam trao cờ, Bằng công nhận 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 và long trọng đón nhận Bằng chứng nhận Lễ hội Tịch điền là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Chủ tịch nước lái máy cày trong lễ Tịch điền - ảnh 5Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái (ngoài cùng bên trái) trao Bằng công nhận Lễ hội Tịch điền là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 

Điểm mới của lễ hội Tịch điền năm nay là bên cạnh việc thực hiện nghi thức cày tịch điền bằng trâu truyền thống còn có sự xuất hiện của máy cày. Sau khi một cụ cao niên trong làng hành lễ nhập linh khí vua Lê Đại Hành cày tịch điền, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mặc áo xanh, đội mũ bảo hộ tự lái máy cày để khuyến khích công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.

Chủ tịch nước lái máy cày trong lễ Tịch điền - ảnh 6Người dân náo nức tham gia lễ hội Tịch điền

Đây là năm thứ 9 Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được khôi phục với thông điệp là lời nhắc nhở của các bậc tiền nhân đến thế hệ ngày nay, hãy nhớ đến công ơn của cha ông trong việc khai phá ruộng đồng, trồng cấy lúa ngô mà tích cực và chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp – một thế mạnh của nước nhà.

Chủ tịch nước lái máy cày trong lễ Tịch điền - ảnh 7Tái hiện nghi thức vua đi cày tại lễ hội

Lịch sử ghi lại mùa xuân năm Đinh Hợi (năm 987), lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan làm lễ tế thần nông và đích thân xuống đồng cày ruộng để khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn. Kể từ đó, các triều đại sau: từ Lý, Trần, đến triều Lê, Nguyễn đều tổ chức lễ hội Tịch điền một cách thành kính, trang trọng, cầu mùa màng bội thu, khuyến khích mở mang nông trang.

Chủ tịch nước lái máy cày trong lễ Tịch điền - ảnh 8 

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lễ hội Tịch điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc./.

 Hoàng Đức- Minh Đức

Từ khóa : di sản văn hóa phi vật thểdu kháchlàng nghềlễ hộimùa xuântếttruyền thốngvăn hóa

Các tin liên quan đến bài viết