Luật sư cho biết, theo các quy định hiện hành, trường hợp của Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) tử nạn khi đi cứu hộ ở Tiểu khu 67 đủ điều kiện để công nhận liệt sỹ.

Lúc 19h40 ngày hôm qua (15/10), lực lượng chức năng đã tìm thấy toàn bộ 13 thi thể nạn nhân là các cán bộ, chiến sĩ trong đoàn 21 người đi xác minh sự cố ở Rào Trăng 3.

Trên đường đi, đoàn nghỉ chân ở Trạm Quản lý, bảo vệ rừng 67 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) – nơi cách Thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 10 km, và không may bị núi lở vùi lấp, tử nạn.

Chủ tịch huyện Phong Điền mất khi đi cứu hộ ở Tiểu khu 67, có được phong liệt sỹ? - Ảnh 1.

Xe cứu thương chở các nạn nhân rời khỏi hiện trường. Ảnh: Zing.vn

Các nạn nhân được cơ quan chức năng đưa lên xe cứu thương và chở về Bệnh viện Quân y 268 tại TP.Huế ngay trong đêm nay (15/10). Tang lễ chung cho các nạn nhân sẽ được tổ chức ở Nhà tang lễ 268 thuộc Bệnh viện Quân y 268, đường Mang Cá, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trong số các nạn nhân ngoài những người thuộc lực lượng vũ trang còn có ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền và ông Phạm Văn Hướng – Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sau khi vụ việc xảy ra, nhiều độc giả đặt câu hỏi, ông Bình và ông Hướng tử nạn khi làm nhiệm vụ cứu người. Vậy họ có được phong liệt sỹ không?

Về vấn đề này, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định rõ người hy sinh thuộc một trong các trường hợp được xem xét, xác nhận là liệt sỹ là trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân…

Quy định đã đầy đủ, còn thực hiện là do cơ quan lập hồ sơ trình; trên cơ sở hồ sơ, các cơ quan chức năng sẽ xem xét. Qua tìm hiểu, và đối chiếu với quy định, có thể thấy trường hợp của ông Bình và ông Hướng là đủ điều kiện công nhận. Đây là những hành động xứng đáng được tôn vinh, truy tặng danh hiệu liệt sỹ.

Chủ tịch huyện Phong Điền mất khi đi cứu hộ ở Tiểu khu 67, có được phong liệt sỹ? - Ảnh 3.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc.

Theo luật sư Tuấn Anh, trước đây những trường hợp được công nhận liệt sỹ là những người trực tiếp chiến đấu trong thời chiến. Sau này, cùng với sự phát triển của xã hội, có nhiều trường hợp được tôn vinh, cụ thể như dũng cảm cứu cứu người, cứu tài sản nhân dân trong chữa cháy…

Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định 31 cũng có các quy định về các trường hợp xác nhận là thương binh, liệt sỹ trong thời bình, không nhất thiết phải trong chiến đấu.

Thực tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ nhiều trường hợp dũng cảm hy sinh, cứu người trong thời bình; trong đó cũng có một số vụ việc người dân hy sinh khi cứu người được phong tặng liệt sỹ.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Duy Kiên – Phó Cục trưởng Cục Người có công cho biết: “Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tiếp nhận được các văn bản của Bộ Quốc phòng đề nghị truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” đối với 11 quân nhân hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Cùng ngày, ông Nguyễn Bá Hoan – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết đã nhận được đề nghị của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” và công nhận liệt sĩ đối với 2 cán bộ của tỉnh hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Theo Dân việt

Từ khóa : 13 người tử nạnphong điềnRào Trăng 3sạt lở tại Thuỷ điện Rào Trăng 3Thiếu tướng Nguyễn Văn Man Quân khu 4

Các tin liên quan đến bài viết