Bệnh nhân trẻ bị ung thư gan giai đoạn cuối trên nền viêm gan B. Bác sĩ cho rằng nếu anh kiểm tra sức khỏe thường xuyên sẽ phát hiện được bệnh sớm, cơ hội điều trị tốt hơn.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Đồng, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết anh vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam 27 tuổi bị ung thư gan. Bệnh nhân còn trẻ, tới khám khi tình trạng bệnh đã nặng cùng một tập hồ sơ bệnh án. Trước đó, anh cho biết mình đã đi khám ở nhiều nơi. Nhìn tập hồ sơ, bác sĩ Đồng cho biết khối u gan đã di căn, bệnh đã ở giai đoạn cuối.
Vì vậy, bác sĩ Đồng đã dành rất nhiều thời gian tư vấn cặn kẽ cho bệnh nhân. Đáng tiếc, nam bệnh nhân mắc viêm gan B nhưng không theo dõi thường xuyên. Nếu bệnh nhân không chủ quan, tầm soát ung thư gan có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hơn.
Bệnh nhân khám tại Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Bạch Mai.
Hàng năm, thế giới phát hiện 62.000-1.000.000 người tử vong vì ung thư gan. Tại Việt Nam, bệnh đứng đầu về tỷ lệ mắc và tử vong so với các loại ung thư khác.
Ung thư gan nguy hiểm vì diễn biến rất âm thầm, không rõ triệu chứng. Bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu chán ăn, đau tức hạ sườn phải, chướng bụng, vàng da, củng mạc, sút cân, suy kiệt, tắc mật đã là giai đoạn muộn.
Nguyên nhân gây ung thư gan thường gặp là viêm gan B, viêm gan C, uống rượu, độc tố aflatoxin. Bác sĩ Đồng cho biết có đến 70% trường hợp mắc ung thư gan ở Việt Nam do viêm gan B.
Đặc biệt, Việt Nam được xem là “vùng trũng” viêm gan B. Hiện nay, số người nhiễm virus này chiếm khoảng 20% dân số tương đương từ 12-16 triệu người, trong đó có khoảng 5 triệu người viêm gan mạn tính có thể dẫn tới xơ gan hoặc ung thư gan.
Theo bác sĩ Đồng, virus viêm gan B thường lây truyền từ mẹ sang con khi sinh hoặc lây truyền ngang tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh. Việc điều trị viêm gan B không thể loại bỏ hoàn toàn virus B mà chỉ ngăn chặn sự nhân lên của virus. Vì vậy, những người được chẩn đoán bị viêm gan B mạn tính đều phải điều trị lâu dài.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết rất nhiều người mắc viêm gan B nghĩ rằng mình đã khỏi bệnh và “quên” việc tái khám dẫn tới ung thư phát triển âm thầm như trường hợp của nam thanh niên trên. Nếu phát hiện sớm ung thư gan, người bệnh có thể chữa khỏi, việc điều trị cũng không tốn kém. Tùy từng giai đoạn của bệnh, các bác sĩ sẽ có phương án điều trị thích hợp.
Để phòng ung thư gan, bác sĩ Đồng cho biết chúng ta cần tiêm vắc xin ngừa viêm gan B, thăm khám kiểm tra chức năng gan thường xuyên. Bạn nên duy trì lối sống lành mạnh, không ăn các thực phẩm ngũ cốc nấm mốc. Rượu bia và thuốc lá là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh ung thư gan. Điều này nguy hiểm hơn nếu thói quen đó có ở những người bị viêm gan B, C. Bởi việc tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn khiến gan không thể lọc hết các chất độc, từ đó các tế bào của bộ phận này bị thương tổn và thay thế thành mô sẹo, gây xơ gan mạn tính, dẫn tới ung thư gan.
Nguồn: vietnamnet