Dù không liên quan đến băng nhóm Năm Cam, chủ Khu công nghiệp (KCN) Đồng An ở Bình Dương vẫn bị công an bắt giam trái pháp luật, gây oan sai.
Liên quan đến vụ việc Bộ Công an tổ chức buổi xin lỗi đối với 2 doanh nhân bị bắt oan ở Bình Dương cách đây 17 năm vào sáng 5/3, hai người bị bắt oan đã lên tiếng sau nhiều năm tố cáo.
Cũng trong chiều 4/3, một số cán bộ của Bộ Công an đã có mặt tại trụ sở của Công ty cổ phần TM-SX-XD Hưng Thịnh ở TP Thuận An (Bình Dương) để làm việc trước buổi xin lỗi.
Ông Bùi Mạnh Lân (áo trắng) và ông Phạm Văn Hướng bị bắt oan |
Những người bị bắt trái pháp luật là ông Bùi Mạnh Lân (SN 1957, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh, chủ đầu tư KCN Đồng An) và ông Phạm Văn Hướng (SN 1954, cựu Phó giám đốc công ty).
Ông Bùi Mạnh Lân bị tạm giam không có lệnh hợp pháp tổng cộng 41 ngày, còn ông Phạm Văn Hướng bị tạm giam không có lệnh hợp pháp trong 63 ngày.
2 doanh nhân này bị cơ quan CSĐT trong chuyên án Năm Cam khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “gây rối trật tự công cộng” vào năm 2003.
Trao đổi với PV, ông Bùi Mạnh Lân cho biết, 17 năm qua ông luôn đấu tranh, gửi đơn tố cáo đến các cơ quan trung ương tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của những người bắt giam ông.
Qua nhiều năm, đến nay cơ quan công an mới tổ chức buổi xin lỗi chính thức. Ông Lân cho biết chấp nhận buổi xin lỗi này nhưng nội dung chưa đáp ứng được đề nghị của ông. Cụ thể, ông Lân đề nghị cơ quan điều tra phải xin lỗi, xử lý đối với việc bắt giam ông và ông Hướng là trái pháp luật, trong khi buổi xin lỗi ngày 5/3 tới chỉ đề cập đến việc “xin lỗi do bắt giam không có lệnh hợp pháp”.
Bên cạnh đó, ông Lân còn đề nghị xử lý các cá nhân thực hiện hành vi bắt giữ ông trái pháp luật vào năm 2003, cụ thể là các cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang tham gia vào chuyên án thời điểm đó và người đứng đầu cơ quan điều tra.
Về bồi thường thiệt hại, ông Lân cho biết sẽ thực hiện theo luật bồi thường Nhà nước, tuy nhiên ông không đặt nặng vấn đề này, quan trọng là các cơ quan điều tra phải xin lỗi công khai, trả lại danh dự, uy tín cho cá nhân ông khi bị bắt oan.
Ông chủ KCN Đồng An đề nghị các cơ quan tố tụng khi điều tra bất cứ một vụ việc nào cũng cần phải xác minh làm rõ nội dung, tránh để xảy ra oan sai cho cá nhân, tổ chức nào.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Hướng (người cùng bị bắt oan cùng với ông Lân) cho rằng, cơ quan công an phải tổ chức xin lỗi người bị bắt oan sau khi vụ án bị đình chỉ điều tra, không để phải đến 17 năm sau mới tổ chức xin lỗi như bây giờ.
Bày tỏ bức xúc, ông Hướng cho biết bản thân mình là một doanh nhân, gia đình có truyền thống cách mạng, luôn tuân thủ luật pháp nhưng bị cơ quan công an bắt giam trái pháp luật, gây tổn thất rất lớn về tinh thần và vật chất.
Ông đề nghị những người liên quan đến vụ việc bắt giam oan phải bị xử lý nghiêm khắc.
Ông Bùi Mạnh Lân, chủ KCN Đồng An ở Bình Dương |
Theo hồ sơ vụ án, sau khi triệt phá chuyên án Năm Cam, từ lời khai của các đối tượng liên quan, tháng 4/2003 cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại công ty Gas Bình Dương (nằm trong KCN Đồng An do ông Bùi Mạnh Lân làm chủ), xảy ra từ năm 2000 và ủy thác cho công an Tiền Giang thụ lý.
Thời điểm này, ông Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Tuyến Dũng (cán bộ công an tỉnh Tiền Giang được Bộ Công an điều động tham gia chuyên án Năm Cam trước đó) tiếp tục tham gia điều tra vụ án này.
Từ đây ông Nên và Dũng đã giải quyết tranh chấp dân sự giữa vợ chồng ông bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư (ngụ TP.HCM) và Công ty Hưng Thịnh trong khi vụ tranh chấp đang được tòa án thụ lý giải quyết.
Dù biết đây là vụ tranh chấp dân sự đã được khởi kiện theo thủ tục dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an, không liên quan đến vụ án “gây rối trật tự công cộng” nhưng hai cán bộ này vẫn thụ lý giải quyết vụ án.
Ngày 29/4/2003, ông Nên ký lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Dù không được Viện kiểm sát phê chuẩn nhưng hai ông Lân và Dũng vẫn bị bắt giam.
Sau khi được trả tự do, ông Lân và ông Hướng gửi đơn tố cáo đến cơ quan trung ương tố giác hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan CSĐT.
Liên quan đến vụ việc can thiệp vào vụ án tranh chấp dân sự nêu trên, ngày 7/6/2011, Cục điều tra hình sự Viện KSND Tối cao đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với 3 cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang gồm Ngô Thanh Phong (nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ), Nguyễn Văn Nên (nguyên Trưởng công an huyện Châu Thành) và Phan Văn Út (nguyên Đội trưởng đội tham mưu tổng hợp Cơ quan CSĐT) do có nhiều sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động tố tụng dẫn đến việc bắt, giam giữ người trái pháp luật xảy ra tại Bình Dương. |
Nguồn: vietnamnet