Năm nay, do thời tiết diễn biến bất thường, mưa sớm đã tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, phát triển và truyền bệnh. Ngay từ đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện sốt xuất huyết (SXH), đặc biệt ở thời điểm giao mùa và hiện bệnh có dấu hiệu gia tăng.

SXH GIẢM NHƯNG TIỀM ẨN NHIỀU NGUY CƠ 

Theo số liệu giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến giữa tháng 5, toàn tỉnh ghi nhận 414 ca mắc SXH, phát hiện và xử lý 13 ổ dịch, không có tử vong, giảm 322 ca so với cùng kỳ năm 2016. Các huyện, thị xã có số ca mắc SXH tăng cao là Lộc Ninh 63 ca, Đồng Xoài 71 ca, Chơn Thành 70 ca, trong đó huyện Lộc Ninh có số ca mắc tăng so với cùng kỳ 47 ca. Bác sĩ Đặng Thị Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh cho biết: Những ca mắc SXH trên địa bàn không tập trung, hầu như xã nào cũng có. Nhận định ban đầu số mắc SXH tăng là do năm nay rơi đúng vào chu kỳ bệnh SXH (5 năm), bệnh xuất hiện trên nền ổ dịch cũ và một phần do thời tiết diễn biến bất thường nên thuận lợi cho mầm bệnh sinh sôi, truyền bệnh.

Cán bộ ngành y tế huyện Bù Đăng tẩm mùng diệt muỗi phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho người dân xã Đăng Hà – Ảnh tư liệu

Hiện nay, trung bình mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận 15-20 ca SXH nhập viện điều trị tại các tuyến. Trong tuần 20, toàn tỉnh ghi nhận 17 ca mắc SXH, trong đó có 6 ca dưới 15 tuổi nhưng không phát hiện ổ dịch. Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng: Tuy số ca mắc SXH giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Số ca mắc SXH rải rác ở khắp huyện, thị trong tỉnh. Như vậy nguồn bệnh đã có sẵn, kết hợp thời điểm thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển nên dễ bùng phát SXH nếu không triển khai tốt biện pháp phòng chống. Nhận thức của người dân, từng gia đình và cộng đồng dân cư trong phòng chống SXH chưa cao. Bình Phước đang phát triển công nghiệp nên tại những khu, cụm công nghiệp thu hút lượng lớn nhân công lao động từ các tỉnh khác đến, trong đó có nhiều người từ phía Bắc chuyển vào. Những người này hầu như chưa có miễn dịch với bệnh SXH, trong khi điều kiện sống tại những khu nhà trọ lại không đảm bảo nên nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 6 ca mắc SXH nặng, trong đó Phước Long 3 ca, Đồng Xoài 1, Hớn Quản 1 và Bù Gia Mập 1 ca. Bác sĩ Sáu cho biết: Các ca SXH nặng có thể do nhập viện trễ, bệnh SXH diễn biến bất thường đột ngột chuyển nặng. Tuy nhiên, hiện bệnh SXH vẫn chưa có thuốc đặc trị nên các cơ sở y tế chỉ theo dõi và điều trị triệu chứng. Khi người dân có dấu hiệu mắc SXH nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Tại địa bàn nguy cơ, hộ gia đình, nơi công cộng (nhà trường, công sở…) nên chủ động diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường, nhất là những dụng cụ chứa nước.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG SXH  

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh cho biết: Hiện nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu đều bị cắt giảm, trong khi kinh phí cấp trên chưa được phân bổ nên các hoạt động liên quan đều phải ứng trước để thực hiện. Năm 2016, đến gần cuối năm mới có kinh phí, nhưng có nguồn bị cắt giảm, vì vậy trung tâm đã xin hỗ trợ từ UBND huyện. Tuy nhiên năm nay do thay đổi mô hình hoạt động, trung tâm trực thuộc Sở Y tế quản lý toàn diện nên khó chủ động về kinh phí.

Nhân viên y tế phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết tại thị xã Đồng Xoài

Từ đầu năm đến nay, để góp phần chủ động phòng chống SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị tăng cường giám sát ca bệnh, xử lý các ổ dịch, đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi hành vi, nhận thức của người dân đối với phòng chống SXH. Hiện nay, trung tâm đã xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống SXH trình Sở Y tế thẩm định xin kinh phí địa phương để thực hiện.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm: Do kinh phí các chương trình mục tiêu bị cắt giảm, mô hình hoạt động thay đổi nên thời gian tới trung tâm khó chủ động triển khai công tác phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, người dân nên chủ động nâng cao ý thức phòng chống SXH, thực hiện đúng và đủ các khuyến cáo của ngành y tế để bảo vệ sức khỏe gia đình, cộng đồng. Các ngành, các cấp hỗ trợ ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền về SXH và tác hại của bệnh, qua đó huy động tổng thể nguồn lực của cộng đồng để chủ động thực hiện phòng chống bệnh SXH hiệu quả.

Vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, mỗi người, từng hộ dân và các cơ quan, đơn vị hãy tham gia phòng chống SXH. Cụ thể: Hạn chế tối đa nơi sinh sản và phát triển của muỗi bằng cách vệ sinh môi trường như thu gom, lật úp, dọn dẹp dụng cụ chứa nước không cần thiết; đậy nắp, thay rửa thường xuyên những dụng cụ chứa nước sinh hoạt, diệt lăng quăng 2 lần/tuần. Phòng chống muỗi chích bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay cho trẻ; dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, thoáng mát. Khi gia đình có người bị sốt cần đưa đến cơ sở y tế ngay để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời

Nguồn Báo Bình Phước

Từ khóa : bệnh sốt xất huyếtcách phòng bệnh sốt xuất huyếtdiệt muỗi

Các tin liên quan đến bài viết