Đề tham khảo thi THPT quốc gia năm nay có phần dễ hơn, không đánh đố học sinh nhưng cũng không thể chủ quan, lơ là. Đó là nhận định chung của nhiều học sinh lớp 12, Trường THPT Lộc Thái, huyện Lộc Ninh. Thời điểm này, tất cả học sinh và giáo viên của trường đã tăng tốc ôn luyện, kết hợp cả việc ôn tập trực tuyến trong mùa dịch và ôn tập trực tiếp trên lớp học để sẵn sàng cho các kỳ thi quan trọng sắp tới.
Ngoài 5 tiết học chính buổi sáng, 3 tiết phụ đạo buổi chiều trên lớp, những ngày này, em Vũ Thị Như Hân, lớp 12A1, Trường THPT Lộc Thái vẫn giữ thói quen ôn tập, học trực tuyến tại nhà từ trước và trong đại dịch Covid-19 đến nay. Là học sinh khá, giỏi suốt 12 năm liền nhưng Hân cũng không chủ quan. Em tập trung ôn tập từ kiến thức cơ bản đến nâng cao để đạt được mục tiêu hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia và chinh phục ngôi trường đại học mà mình yêu thích.
Cùng trường với Hân, em Vũ Ngọc Gia Bảo cũng cho biết, bản thân tuyệt đối không được lơ là trong việc học, mặc dù đề thi năm nay sẽ được cắt giảm. Bởi do thời gian nghỉ để phòng dịch khá dài, khiến việc học của em bị gián đoạn, việc tiếp thu kiến thức trên trường bị trì hoãn.
Học sinh Trường THPT Lộc Thái, huyện Lộc Ninh tận dụng thời gian ra chơi cùng nhau ôn luyện bài cũ
Trường THPT Lộc Thái hiện có 10 lớp 12 với 282 học sinh. Từ sau tết Nguyên đán đến nay, trường đã liên tục thay đổi chương trình học để phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, việc thay đổi chương trình học trong quá trình nghỉ phòng, chống dịch Covid-19 cũng gặp không ít khó khăn do có một số ít học sinh dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn không tiếp cận được công nghệ thông tin. Đối với những em này, trường có phương án xây dựng giáo án bồi dưỡng riêng. Sau khi nắm được nội dung tinh giản, trường đã nhanh chóng xây dựng lại chương trình học để kỳ thi THPT quốc gia sắp tới đạt chất lượng cao.
Cô Dương Thị Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lộc Thái cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, trường đã triển khai đến các tổ chuyên môn tích cực dạy và thi thử trực tuyến. Khi các em trở lại học bình thường, trường cũng đã chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng lại kế hoạch dạy học theo chương trình giảm tải, phù hợp với thời lượng và kiến thức còn lại cho mỗi khối. Bên cạnh đó, trường cũng nắm bắt lại nguyện vọng khối thi của các em để có cơ sở sắp xếp các lớp ôn tập.
Trường THPT Thống Nhất, huyện Bù Đăng có 156 học sinh khối lớp 12. Trong đó gần 50% là học sinh dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện tiếp cận phương pháp học trực tuyến. Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, Ban giám hiệu trường cũng đã triển khai tăng thời lượng phụ đạo môn chính lên thành 4 tiết, vào buổi chiều. Cô Bùi Thị Ninh, giáo viên Trường THPT Thống Nhất cho biết, thực tế tất cả giáo viên và học sinh của trường đều cảm thấy rất lo lắng trước kỳ thi THPT quốc gia. Dù Bộ GD-ĐT đã tinh giản nhưng kỳ nghỉ phòng chống dịch quá dài, lại vào mùa điều nên đa phần thời gian học ở nhà của các em rất ít, dẫn đến kiến thức hổng rất nhiều. Trước thực trạng đó, Ban giám hiệu trường đã chỉ đạo xây dựng lại phân phối chương trình sau khi giảm tải cho phù hợp.
Dự kiến kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 11-8. Tuy có nhiều khó khăn trong công tác ôn thi nhưng các trường THPT trên địa bàn tỉnh nói chung đã xét và phân chia lớp theo nguyện vọng khối thi từ năm lớp 10 nên việc ôn tập cho học sinh khối lớp 12 ở giai đoạn hiện tại cũng có phần thuận lợi. Theo đó, khối lớp 12 các trường sẽ hoàn thành chương trình học vào đầu tháng 6 để học sinh có thời gian tập trung vào các môn chính.
Theo Báo Bình Phước