Bỏ hàng trăm triệu đồng thuê người theo dõi, tìm nhiều cách hãm hại con của tình địch nhưng khi bị khởi tố bắt giam, bà Đào Thị Thu Thảo lại được đình chỉ với lý do “bệnh tâm thần”.
Ông Vũ Xuân Rồng – phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết cơ quan này đã ra quyết định chỉ điều tra với bị can Đào Thị Thu Thảo (35 tuổi, trú tại Hà Nội) – người được cho là chủ mưu trong vụ án “cố ý truyền HIV cho người khác” mà công an TP Vũng Tàu đã khởi tố.
Việc đình chỉ điều tra này dựa vào kết luận giám định cho rằng bà Thảo mắc bệnh tâm thần trước và trong thời điểm gây án.
Viện kiểm sát chỉ truy tố hai đồng phạm đã giúp sức bà Thảo thực hiện âm mưu trả thù với gia đình tình địch là Lê Trung Linh – giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thông tin Phi Ưng và Huỳnh Văn Thế.
Điều đáng nói trong vụ án này là chỉ gần 2 tháng sau khi được đình chỉ điều tra để đi chữa bệnh bắt buộc thì bà Thảo lại được bệnh viện tâm thần xác định đã hết bệnh. VKS cũng đã có quyết định đình chỉ việc áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc với bà Thảo.
Hiện bà Thảo đang giữ chức vụ giám đốc chi nhánh miền bắc của một công ty có trụ sở chính tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Liên tục thuê người hãm hại con tình địch
Theo kết quả điều tra, đầu năm 2014 khi ở Hà Nội, Đào Thị Thu Thảo nhận được thông tin bạn trai mình (ở Vũng Tàu) quan hệ tình cảm và có con với một người phụ nữ khác. Thu Thảo liền lên mạng internet tìm thuê công ty thám tử xác minh thông tin.
Sau đó, Thảo tìm và thuê được Lê Trung Linh – 32 tuổi, giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thông tin Phi Ưng (gọi tắt Công ty Phi Ưng).
Sau một tháng thuê người theo dõi “tình địch” với giá 20 triệu đồng, Thảo tiếp tục thuê công ty Linh lấy mẫu tóc hay móng tay của cháu bé mà Thảo nghi ngờ là con của bạn trai và tình địch với giá 20 triệu đồng.
Lê Trung Linh đã giả đóng làm nhân viên tiếp thị sữa đến nhà cháu bé, lấy được mẫu móng tay và Thảo đã trả tiền công cho Linh.
Đến khoảng tháng 4-2015, Thảo có ý định hại cháu bé nên đã gặp và bàn bạc với Linh đưa ra các phương án: bắt cóc cháu bé bỏ vào chùa, gây tai nạn giao thông.
Sau đó cả hai thống nhất phương án Linh sẽ bắt cóc cháu bé bỏ vào chùa với giá 240 triệu đồng và Thảo đã chuyển số tiền này cho Linh. Linh rủ thêm đối tượng tên Tâm (công an vẫn chưa xác minh được lai lịch) cùng tham gia. Nhưng phi vụ này Linh và Tâm không làm được.
Tháng 5-2015, Thảo hẹn gặp Linh tại TP.HCM. Lần này, hai bên thống nhất sẽ lấy máu của người bị nhiễm HIV chích vào người cháu bé. Vụ này, Linh rủ thêm bạn là Huỳnh Văn Thế (31 tuổi, trú huyện Nhà Bè, TP.HCM) cùng làm.
Ngày 1-6-2015, Thế đã mua một ống xi lanh máu của một người nghiện ma túy với giá 1 triệu đồng và cùng với Linh xuống Vũng Tàu tìm cách chích vào người cháu bé trong buổi tối công ty mẹ cháu bé tổ chức ngày Quốc tế thiếu nhi. Tuy nhiên tối đó, cháu bé và mẹ đã không đến dự tiệc.
Thất bại thêm lần này, ngày 8-6-2015, Thảo điện thoại cho Linh và Thế tiếp tục thuê chích máu của người bị nhiễm HIV vào người cháu bé.
Lần này, Thế đi mua máu của một người mà Thế cho rằng cho rằng bị nhiễm HIV với giá 200.000 đồng.
Sáng 9-6-2015, Linh lái xe máy chở Thế đến cổng trường mầm non của bé. Khi cháu bé được mẹ đưa đến trường, Thế đã đi sát, dùng kim tiêm có máu người nhiễm HIV chích vào chân phải cháu bé rồi cả hai lên xe bỏ chạy.
Rất may, gia đình cháu bé phát hiện sớm và đã đưa cháu đi tiêm thuốc chống phơi nhiễm HIV. Theo kết quả xét nghiệm ngày 30-5-2016 của Bệnh viện nhiệt đới, cháu bé âm tính với HIV. Sau khi gây án, Linh và Thế được Thảo chuyển trả 120 triệu đồng.
Tâm thần khi gây án, hết bệnh khi được đình chỉ
Vụ án ban đầu được Công an TP Vũng Tàu thụ lý điều tra nhưng sau đó được chuyển cho Công an tỉnh. Hiện hồ sơ vụ án đã được chuyển đến TAND TP Vũng Tàu để chuẩn bị xét xử.
Trong quá trình điều tra, ngày 16-6-2016, Trại tạm giam Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và gia đình bị can Đào Thị Thu Thảo đã yêu cầu Cơ quan CSĐT (PC44) ra giám định tâm thần với bị can.
Ngày 3-8, Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã có kết luận đối với Đào Thị Thu Thảo với nội dung: “Trước, trong và sau khi gây án: Đương sự bị bệnh Trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần”. Tại thời điểm giám định: bị “trầm cảm vừa”.
Kết luận này cũng cho hay: “Tại thời điểm gây án và hiện nay: Đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi”
Một ngày sau (ngày 4-8), Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra Quyết định đình chỉ điều tra bị can và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bà Thảo.
Sau gần hai tháng bị áp dụng điều trị bắt buộc tại Bệnh viện tâm thần Trung ương Biên Hòa, ngày 27-9, viện này có kết luận tình trạng bệnh của bà Thảo đã ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa”.
Một ngày (28-9), Viện KSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh với bà Thảo.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, sau khi được vụ án xảy ra, công ty chủ quản của bà Thảo đã có quyết định tạm ngưng chức vụ, công việc của bà. Khi bà Thảo được đình chỉ điều tra, không phải chữa bệnh bắt buộc, công ty chủ quản đã phục chức, tiếp tục hợp đồng lao động với bà.
Ngày 3-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Xuân Rồng khẳng định việc đình chỉ bị can, đình chỉ điều tra đối với bà Đào Thị Thu Thảo là đúng trình tự, đúng pháp luật.
Việc đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh cũng thực hiện đúng pháp luật, có đề nghị của bệnh viện, có biên bản bàn giao đương sự giữa công an và gia đình.
Một lãnh đạo của Trại tạm giam Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng cho hay, quá trình tạm giam bà Thảo, qua phản ánh của những người ở chung buồng giam với bà Thảo và qua theo dõi bí mật cũng như khám sức khỏe cho bà này tại trại tạm giam, thấy bà có dấu hiệu tâm thần nên đã gửi văn bản cho cơ quan điều tra.
Theo luật sư Trương Xuân Tám – phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo quy định của pháp luật thì khi thực hiện phạm tội, nếu bị can bị tâm thần thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trong vụ án này, việc giám định và kết luận bị can Thảo bị tâm thần sau khi đã thực hiện hành vi là suy đoán, mang tính chủ quan, không thuyết phục.
Hơn nữa, nếu bị can được kết luận tâm thần vào thời điểm trước khi giám định thì phải có hồ sơ bệnh án về tâm thần trước đó nữa. Đằng này, bị can Thảo vẫn tỉnh táo đi làm.
“Kết luận giám định của Hội đồng pháp y rằng bị can Thảo bị tâm thần vào thời điểm trước và trong khi gây án là suy diễn, chủ quan. Việc giám định tâm thần vào thời điểm khi đã kết thúc hành vi là không có căn cứ”, luật sư Tám nói.
Quan trọng là con tôi không bị gì Chiều 3-12, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với chị L.- mẹ của cháu bé. Chị này cho biết không có ý kiến gì về vụ án mà điều quan trọng là con của chị không bị gì. Chị cũng muốn cho bà Thảo một cơ hội bởi “đánh kẻ chạy đi, không đánh kẻ chạy lại”. |
Đông Hà