Không ít người, thậm chí là các cấp điều hành địa phương, tỏ ra “lơ mơ”, “mơ màng” với mục đích của phong tỏa và giãn cách đang được triển khai nghiêm ngặt tại gần 1/3 số tỉnh trong cả nước.
Những chương trình, mục tiêu, hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, qua các cuộc họp với một số địa phương cuối tuần qua, đã được thể hiện phần nào qua sự lúng túng của một vài lãnh đạo địa phương.
Thời gian phong tỏa phải là cơ hội
Ở Thủ đô, ngành y tế đang tận dụng thời cơ vàng giãn cách để tiêm vắc xin với tốc độ “thần tốc”. Số mũi tiêm liên tục lập kỷ lục mới, cao nhất là ngày 12/9 với hơn 573.000 mũi. Kết quả này là sự nỗ lực của các bác sỹ, nhân viên y tế đã tận dụng “từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày” để tiêm phủ 100% mũi 1 vào ngày 15/9, như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng.
Ở TP.HCM, ngành y tế cũng đang tăng tốc để đạt mục tiêu tiêm 100% mũi 1 đến “deadline” 15/9.
Nhưng không phải tất cả các địa phương đều xác định được mục tiêu, chương trình hành động trong thời gian vàng phong tỏa.
Xét nghiệm nhanh tại TP.HCM |
Thủ tướng Phạm Minh Chính không giấu được nỗi thất vọng trong cuộc họp với hai tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang: “Chỉ có thực hiện giãn cách không mà không đặt ra được mục tiêu, không đặt ra được công việc cụ thể thì cứ giãn cách mãi. Rồi mình cũng mệt mỏi mà nhân dân cũng mệt mỏi, mà cuối cùng đuối sức”.
Bộ Y tế cho biết, tại Kiên Giang, trong đợt dịch thứ 4 đến nay, ghi nhận tích lũy 3.034 ca mắc, 25 ca tử vong. Trong 7 ngày qua, ghi nhận 1.217 ca, trong đó có 776 ca tại cộng đồng. So với tuần trước đó, số ca mắc tăng 559, số ca tại cộng đồng tăng 203. Hiện có 7 huyện có nguy cơ rất cao, 3 huyện nguy cơ cao và 5 huyện đang ở trạng thái bình thường mới. Ở cấp xã, có 20/144 xã có nguy cơ rất cao, 32 xã nguy cơ cao, 1 xã có nguy cơ và 91 xã ở trạng thái bình thường mới.
“Như Kiên Giang tôi thấy là tiếp tục giãn cách, nhưng chả biết là giãn cách đến lúc nào. Theo tôi, căn cứ vào tình hình cụ thể, các đồng chí phải đưa ra các mục tiêu cụ thể. Các đồng chí định giãn cách bao lâu, tại địa phương nào?…. Trong thời gian giãn cách và tăng cường giãn cách thì phải đạt được mục tiêu gì? Chứ không cứ đưa ra chung chung là tiếp tục, thì tiếp tục đến bao giờ?”.
Cách tiếp cận “chung sống an toàn” với SARS-Cov-2
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam (ĐH Sydney, Úc) nhận định, trước đây, biến thể cũ ít lây nhanh, số ca F0 trong cộng đồng thấp, nên chúng ta theo đuổi “zero Covid”, tức là bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Đến nay, biến thể Delta lây quá nhanh làm số F0 cộng đồng tăng cao, lây lan rộng. Hơn nữa, một người dù tiêm đủ vắc xin vẫn có thể bị nhiễm và lây cho người khác. Trước thực tế đó, thế giới đã lựa chọn phải “sống chung” với virus SARS-CoV-2 một cách “an toàn”. “Tôi muốn nhấn mạnh hai cụm từ quan trọng trong tư duy phòng, chống dịch, đó là ‘sống chung’ (với virus) nhưng phải ‘an toàn’”, bà giải thích.
Để phù hợp và thích ứng với hoàn cảnh mới, các chính sách về y tế, kinh tế – xã hội, giáo dục… đều nên có sự điều chỉnh.
Chẳng hạn, việc đánh giá mức độ lây nhiễm dịch bệnh ở địa phương, theo Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch. Bất kỳ địa phương nào có các F0 hay chuỗi ca bệnh không rõ nguồn lây đều được coi là có nguy cơ cao hoặc rất cao bất kể năng lực điều trị và độ bao phủ vắc xin ở mức độ nào.
“Điều này kéo theo tình trạng siết chặt giãn cách trên diện rộng kéo dài mà không rõ tới khi nào mới có thể nới lỏng”, bà Thu Anh nhận xét và gợi ý rằng, để TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh muốn sống chung an toàn với SARS-CoV-2 thì nên điều chỉnh sớm.
“Ngưỡng chấp nhận được”, theo bà Thu Anh, trước hết là ngưỡng về y tế bao gồm: năng lực phủ vắc xin, đặc biệt cho người trên 50 tuổi và có bệnh lý nền; năng lực xét nghiệm; và năng lực chăm sóc và chữa trị cho bệnh nhân… Về tổng thể, mục tiêu chính là giảm ca bệnh trở nặng phải nhập viện, điều trị ICU và tử vong.
Người dân quận Long Biên, Hà Nội đi tiêm vắc xin chiều 9/9. |
Bên cạnh đó là ngưỡng về an sinh – xã hội. Người dân cần được làm việc, sinh hoạt, tiếp cận nhu yếu phẩm, thuốc men; trong khi doanh nghiệp có thể duy trì các hoạt động kinh doanh, sản xuất để không phải thua lỗ, phá sản hoặc gây ra sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng hàng hóa, ảnh hưởng chung đến nền kinh tế. Mục tiêu là giảm tần suất, mức độ và lượng thời gian phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch gây tác động tiêu cực cho đời sống, sản xuất.
Mặt trận kinh tế
Bà Thu Anh nhận xét: “Nhiệm vụ của cơ quan phòng chống dịch là phải tìm ra bằng được điểm cân bằng giữa hai ngưỡng trên. Trước đây, chúng ta chỉ dựa vào công cụ giãn cách xã hội để làm giảm số ca nhiễm virus, nay chúng ta đã có thêm 2 công cụ quan trọng nữa là vắc xin và điều trị sớm. Phối hợp tối ưu 3 công cụ này sẽ giúp giảm thiểu tác động lên an sinh – xã hội”.
Đây là điều Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở khi ông luôn yêu cầu, không thể để xảy ra đổ vỡ về y tế, không để xảy ra đổ vỡ về kinh tế.
Ở mặt trận kinh tế, phong tỏa, giãn cách tiếp tục kéo dài mà không xác định được các tiêu chí kiểm soát dịch phù hợp với tình hình mới đã tác động sâu rộng tới sinh kế và sản xuất, kinh doanh.
Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN, ông Vũ Tú Thành nhận xét: “Nhiều nội hàm của ‘bình thường mới’ bao gồm sinh hoạt của người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có thể được thực hiện một cách an toàn trong điều kiện virus vẫn xuất hiện đây đó nhưng không đủ để bùng phát thành dịch”.
“Nếu không thay đổi các tiêu chí cũ, hoặc đơn giản hơn là bỏ đi, thay bằng các tiêu chí mới trong các quyết định 3979 và 3989 thì mặt trận kinh tế – xã hội ở TP.HCM và các tỉnh đang áp chỉ thị 16 rất khó giữ vì không thể mở lại được”, ông phân tích.
Theo quan sát của ông Thành, từ sau khi Ban Chỉ đạo quốc gia được kiện toàn, đã có những điều chỉnh quan trọng được thực hiện và đem lại những kết quả khả quan, nhất là trong 7 ngày vừa qua.
Quan trọng nhất là bước chuyển căn bản về tư duy từ cương quyết không mở nếu chưa quét sạch virus (zero Covid) sang “tìm cách để thích ứng và an toàn trong mọi diễn biến của dịch,” như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính nói ở cuộc làm việc với hơn 70 nhà khoa học trong lĩnh vực y tế ngày 1/9.
Ông Thành cho rằng, nhiệm vụ lớn nhất của Bộ Y tế bây giờ là biến tư duy, chỉ đạo “sống chung an toàn” này của Thủ tướng thành hành động cụ thể.
Nguồn: vietnamnet