Với chính sách và cơ chế đổi mới, những năm qua, Chơn Thành đã và đang trở thành điểm đến đầu tư của nhiều doanh nghiệp, trang trại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Các doanh nghiệp, trang trại đã chủ động đổi mới công nghệ, nắm bắt thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế. Đồng thời, chung tay cùng huyện làm tốt an sinh xã hội (ASXH) và nhiều đơn vị đã trở thành điểm sáng về giúp đỡ người nghèo.

CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP LÀM TỐT ASXH

Chơn Thành hiện có 620 doanh nghiệp, đã và đang tạo việc làm có thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động trong và ngoài tỉnh. Một trong những điểm sáng trong sản xuất – kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động là Công ty cổ phần Viticell ở ấp 1, xã Thành Tâm, chuyên sản xuất các sản phẩm từ xi măng và thạch cao. Doanh nghiệp này đang tạo việc làm cho 120 công nhân với mức lương 7,5 triệu đồng/người/tháng và hỗ trợ thêm tiền ăn trưa. Năm 2016, doanh thu của công ty đạt 21 tỷ đồng, hoàn thành 100% nghĩa vụ thuế với nhà nước và hỗ trợ huyện sửa chữa đường giao thông nông thôn, tặng quà tết cho hộ nghèo với tổng trị giá khoảng 50 triệu đồng.

Công ty TNHH MTV sản xuất tinh bột mì Thành Công ở ấp Hòa Vinh 2, xã Thành Tâm là doanh nghiệp đi đầu trong bảo vệ môi trường. Do chuyên sản xuất tinh bột mì và các sản phẩm từ bột mì nên đơn vị đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, vận hành ổn định với kinh phí 3 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu của công ty đạt 60 tỷ đồng và nộp thuế gần 6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 công nhân với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Hằng năm, công ty ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, trao học bổng và đóng góp ủng hộ sửa chữa đường giao thông nông thôn trên 20 triệu đồng.

UBND huyện Chơn Thành trao chứng nhận cho các trang trại tiêu biểu

Hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến cao lanh và sản xuất gạch tuynel, Công ty cổ phần Trung Thành ở khu phố 8, thị trấn Chơn Thành luôn xác định, để công nhân an tâm, gắn bó phải bảo đảm nơi ăn, ở thuận tiện, an toàn. Do vậy, ngoài bảo đảm về thu nhập, doanh nghiệp còn xây nhà ở miễn phí cho 114 cán bộ, công nhân viên và không phải đóng tiền điện, nước. Do chăm lo tốt đời sống người lao động nên nhiều năm qua doanh nghiệp luôn phát triển ổn định. Ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc công ty cho biết: Hằng năm, công ty đều tổ chức xe đưa – đón công nhân và người nhà về quê ăn tết miễn phí. Tiền thưởng tết “cứng” trung bình là 2 tháng lương, có năm thưởng đến 3 tháng lương, chưa kể thưởng thêm A, B, C. Năm 2016, ngoài kinh phí trên 1 tỷ đồng chăm lo đời sống người lao động, doanh nghiệp còn ủng hộ xây nhà tình thương, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” của huyện hơn 100 triệu đồng. Và còn rất nhiều doanh nghiệp đã, đang duy trì phát triển sản xuất ổn định, tích cực chung tay cùng địa phương làm tốt ASXH.

PHÁT HUY NỘI LỰC TỪ KINH TẾ TRANG TRẠI

Toàn huyện hiện có 116 trang trại trồng trọt và chăn nuôi. Năm 2016, các trang trại sản xuất – kinh doanh có hiệu quả mang lại khoản thu nhập ổn định, giúp kinh tế hộ phát triển bền vững. Ông Ngô Văn Phi ở ấp 3, xã Minh Long là người tiên phong trong phong trào nuôi gà chuồng lạnh trên địa bàn huyện với trại gà khép kín có chi phí đầu tư khoảng 2,5 tỷ đồng. “Với 3 trại gà sạch, khoảng 45 ngàn con, mỗi năm gia đình nuôi 4 lứa gà cho thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng” – ông Phi cho biết.

Mang lại thu nhập “khủng” và ổn định không kém là nghề nuôi chim yến. Tại Chơn Thành, nghề này được nhiều gia đình chọn để phát triển kinh tế và đầu tư từ 400-700 triệu đồng làm nhà yến. Các hộ nuôi yến ở Chơn Thành cho rằng, để chim yến phát triển cần bảo đảm vị trí xây dựng nhà nuôi yến; thông số kỹ thuật nhiệt độ và độ ẩm, ánh sáng; hướng nhà và hướng lỗ chim ra vào; kích thước vòng đảo lượn trong nhà; hệ thống giá tổ, âm thanh, tạo ẩm và thông gió.

Do sản xuất – kinh doanh hiệu quả, trong năm 2016, các doanh nghiệp, trang trại đã góp phần giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách… và thực hiện tốt ASXH, giúp huyện hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Theo đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 3.397 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; công nghiệp đạt 7.922 tỷ đồng, đạt 107,8% kế hoạch; thương mại – dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, tổng mức bán lẻ thực hiện 5,8 tỷ đồng, tăng 16,2% so với năm 2015. Tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 206 tỷ đồng, đạt 106,7% dự toán.

Đến nay, toàn huyện đã có 49 nhà nuôi yến, trong đó có 30 nhà nuôi yến xây dựng độc lập và 19 nhà ở kết hợp nuôi yến. Đối với những hộ có nhà nuôi yến trên 13 tháng, bình quân mỗi hộ thu về từ 0,5-3kg tổ yến/tháng. Hiện giá thu mua khoảng 20 triệu đồng/kg, cho thấy với cách làm kinh tế này, các hộ nuôi yến có một khoản thu không nhỏ. Không chỉ phát triển chăn nuôi hiệu quả mà các mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao cũng được huyện quan tâm hỗ trợ, giúp nông dân phát triển kinh tế bền vững. Điển hình là xã Minh Hưng đã thành lập tổ hợp tác trồng tiêu sinh học với 11 thành viên và chọn hướng canh tác bền vững cho cây tiêu hoàn toàn từ phân hữu cơ sinh học.

Kinh tế trang trại phát triển mạnh, nhiều chủ trang trại không chỉ làm giàu mà còn gắn với hoạt động ASXH. Điển hình như ông Nguyễn Đức Trạch ở ấp 1, xã Minh Long nuôi 1.500 con heo và 12 ha cao su, tạo việc làm cho 25 lao động, hằng năm đóng góp 12 triệu đồng cho quỹ khuyến học, quỹ xóa đói giảm nghèo. Với 45 ha cao su, điều, tiêu, ông Nguyễn Hoàng Vũ ở ấp 5, xã Minh Lập đã giải quyết việc làm cho 45 lao động và đóng góp vào quỹ khuyến học, xóa nghèo trên 30 triệu đồng…

Tại buổi họp mặt và tuyên dương các doanh nghiệp, trang trại tiêu biểu vừa qua, ông Nguyễn Như Tuân, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Sự hưng thịnh của kinh tế tư nhân không thể tách rời trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội mà còn gắn liền với sự phồn vinh, giàu mạnh của huyện trong tương lai. Do đó, huyện sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, trang trại trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới và khuyến khích doanh nghiệp, trang trại ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất.

Ngọc Bích – Đỗ Trình (BPO)

Từ khóa : an toànchăm locông nhânđiện nướcnơi ănthuận tiệnxe đưa đón

Các tin liên quan đến bài viết