Đó là băn khoăn của nhiều học sinh lớp 12 khi tham dự tọa đàm ‘Cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động và tư vấn hướng nghiệp phục vụ tuyển sinh đại học 2019’ vừa diễn ra tại TP.HCM.
Trao đổi trực tiếp với các chuyên gia tại đây, nhiều học sinh lo lắng với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 máy móc lấy đi nhiều việc làm của con người.
Đặc biệt, phần lớn học trò cho biết dù sắp bước chân vào ngưỡng cửa ĐH nhưng vẫn chưa biết cách chọn ngành nghề như thế nào.
Đừng hỏi ngành nào hot, hãy hỏi mình có hot không
Để giải tỏa nỗi lo này của học sinh, ông Trần Anh Tuấn – phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – cho biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gồm ba mảng chính: trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối và dữ liệu lớn (big data).
Nhiều người dự báo chừng hai thập kỷ nữa robot sẽ tràn ngập ở VN, khi đó sẽ có 28% lao động thất nghiệp. Thực tế trong thời gian tới, những công việc giản đơn (lái xe, giao hàng, bán hàng…) do robot thực hiện thay thế con người.
“Như vậy, ở thời đại 4.0 thanh niên cần thay đổi quan điểm, tác phong lao động và thay đổi công việc. Đối với thế hệ trước đây, người lao động giỏi chuyên môn, tay nghề giỏi là có thể thành công, nhưng ngày nay hai điều đó chỉ một phần, quan trọng nhất là phải phát triển năng lực biến mình trở thành người có tư duy, sáng tạo gắn liền với công nghệ.
Còn các ngành nghề tất cả hiện hữu và chuyển đổi, phát triển nhưng đòi hỏi người lao động phải sáng tạo. Vì vậy, các bạn trẻ đừng hỏi ngành nghề nào hot, mà hãy hỏi mình có hot không” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tuấn, thị trường lao động nước ta trong thời gian tới các bạn trẻ cần lưu ý năm yếu tố. Thứ nhất, phải có nghề nghiệp. Thứ hai, việc làm thời kỳ này theo xu hướng mở. Thứ ba, lao động phải có kỹ năng. Thứ tư, người lao động phải nắm được CNTT vì bất kỳ ngành nghề nào đều cũng cần CNTT. Thứ năm, phải giỏi ngoại ngữ.
“Thời gian tới, nước ta sẽ có rất nhiều ngành nghề ở các lĩnh vực khác nhau cần lực lượng lao động lớn. Các ngành nghề sẽ chuyển đổi cùng với sự phát triển của CNTT nhưng đều cần nhân lực chất lượng cao, cần người giỏi kỹ năng, có kỷ luật, đức độ và đặc biệt phải có hoài bão. Ai chọn ngành đúng, học giỏi chắc chắn thành công” – ông Tuấn khẳng định.
TS Nguyễn Ngọc Tài – Viện nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cho biết thêm hiện có sáu nhóm ngành nghề: nhóm nghề kỹ thuật phù hợp với những người có cá tính khám phá; nhóm nghiệp vụ quy củ dành cho những người nền nếp, chu đáo, ngăn nắp (ngành kinh tế, hành chính, văn phòng…); nhóm nghề xã hội dành cho những người thích giao tiếp (giáo viên, tư vấn…); nhóm quản lý dành cho những người có năng lực lãnh đạo (quản trị, công an, quân đội); nhóm nghiên cứu dành cho người thích làm việc độc lập và nhóm ngành nghệ thuật dành cho những người có năng khiếu nghệ thuật (văn chương, nghệ sĩ…).
“Mọi người sẽ phù hợp với một trong sáu nhóm ngành nghề này và cũng có những người phù hợp hai hoặc ba nhóm. Khi đã xác định được nghề phù hợp với mình thì cần kết hợp thông tin thị trường lao động để chọn được ngành nghề học, sau đó mới chọn trường” – ông Tài nói.
Có cần học ĐH?
Một học sinh cho biết cha mẹ mong muốn em phải học ĐH để có tấm bằng, nhưng bản thân lại không thích “vì em chơi game giỏi và thích làm công việc liên quan đến lĩnh vực này”.
Tư vấn cho nam sinh này, ông Tuấn cho biết hiện nay nhiều bạn trẻ VN thành công trên lĩnh vực game, trong đó có những học sinh phổ thông đã thành công, kiếm cả trăm triệu đồng. Nếu yêu thích ngành này, em có thể học tại các trường CĐ, ĐH đào tạo về CNTT.
Tuy nhiên, việc chơi game giỏi với tạo ra một game là hai việc hoàn toàn khác nhau. Để tạo ra một game có sức hút, kiếm tiền được không đơn giản, mà đòi hỏi phải được đào tạo.
Một nữ sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên cho biết đã xác định sẽ theo ngành thiết kế đồ họa nhưng lại băn khoăn: “Ngành này có rất nhiều trung tâm đào tạo. Em có cần học ĐH?”.
Theo chuyên gia, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có nhu cầu lao động có trình độ ĐH, CĐ, trung cấp, sơ cấp. Đối với lao động sơ cấp, thường doanh nghiệp tuyển dụng số lượng đông, có khi không đòi hỏi bằng cấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần người thiết kế đồ họa cao cấp, sáng tạo.
Các chuyên gia đều khuyên nếu có năng lực, điều kiện thì có thể theo học ĐH. Tuy nhiên, đừng vì chữ ĐH mà chọn sai ngành nghề, chọn ngành không phù hợp, chọn ngành chạy theo thị hiếu… Quan trọng nhất là phải xác định được sở thích, năng lực của mình để chọn ngành nghề và bậc học phù hợp (CĐ, trung cấp và sơ cấp).
Định hướng nghề nghiệp là việc làm cấp thiết
Ông Trần Anh Tuấn kiến nghị cần tăng cường hướng nghiệp trong các trường THPT và THCS. Hoạt động tư vấn học đường về hướng nghiệp phải là chương trình chính khóa ở trường phổ thông, có đội ngũ giáo viên chuyên trách và có kinh phí hoạt động.
Nhiều sai lầm trong chọn nghề, chọn trường
Theo TS Nguyễn Ngọc Tài, thực tế nhiều học sinh mắc sai lầm trong chọn nghề, chọn trường. Có những học sinh học lực trung bình và yếu kém đăng ký vào các trường ĐH nổi tiếng cho “oai”, nếu rớt cũng không có gì phải buồn.
Có những học sinh chọn ngành nghề thời thượng mà các phương tiện truyền thông nhắc đến thường xuyên, chọn nghề theo yêu cầu của cha mẹ hoặc người thân trong gia đình, theo nhóm bạn chơi chung… Còn có cả xu hướng học sinh chọn các trường ĐH ngẫu nhiên trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh”…
Nguồn: tuoitre.vn