Không phải toàn bộ người dùng TikTok tham gia những thử thách “quái gở” đều là người trẻ. Vẫn có những bậc cha mẹ dùng nhiều cách phản cảm, lấy con mình ra làm trò đùa, làm nhục để câu view.

Chơi dao TikTok, có ngày đứt tay? - Ma trận TikTok giăng giăng không chỉ với người trẻ - Ảnh 1.

Hàng loạt vụ tai nạn chết người hoặc gây tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tài sản đã xảy ra ở nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Indonesia, Ý… do người dùng TikTok thực hiện theo các trào lưu đang nổi trên nền tảng này, nhiều nạn nhân là trẻ em, học sinh, sinh viên.

Gần đây nhất, hai phụ huynh một trẻ 9 tuổi tại bang Wincosin và một trẻ 8 tuổi tại bang Texas (Mỹ) đệ đơn kiện TikTok vì khiến con họ thiệt mạng sau khi cố gắng làm theo trào lưu “thử thách Blackout” trên nền tảng này.

Phản khoa học, đầy rủi ro

“Thử thách Blackout” thách thức tự làm mình ngạt thở bằng cách bóp cổ, thắt cổ… đến mức ngất xỉu vì thiếu oxy, khi tỉnh lại chia sẻ video về quá trình này. Nhưng nhiều TikToker đã không thể tỉnh lại sau khi thực hiện thử thách.

Theo trang tin The Verge, một đơn kiện TikTok khác cũng được đệ lên tòa án hồi tháng 6, cáo buộc “thử thách Blackout” khiến ít nhất 7 trẻ (đều dưới 15 tuổi) đã chết trong năm 2021.

Trào lưu khác mang tên “thử thách Benadryl” cổ xúy người dùng uống một lượng lớn thuốc kháng histamine để có được trải nghiệm gặp ảo giác và hưng phấn, sau đó chia sẻ lại video trên TikTok. Hậu quả, nhiều người thực hiện bị ngộ độc thuốc nghiêm trọng.

Mẹ của một nữ sinh 14 tuổi, một trong những người ngộ độc thuốc, cho biết con gái bà gặp ảo giác, nói những câu đứt quãng và nhịp tim lên đến 199 sau khi uống 14 viên thuốc chỉ để thực hiện thử thách này.

Tháng 8-2020, sau cái chết của nữ sinh 15 tuổi ở bang Oklahoma vì trào lưu tai hại này, Johnson & Johnson, đơn vị sản xuất thuốc Benadryl và cả Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phải phát đi thông cáo cảnh báo người dùng về những nguy cơ gây chết người khi làm theo thử thách.

Đầu năm 2020, hai học sinh ở Trường Plymouth North (bang Massachusetts, Mỹ) bị cáo buộc gây ra hỏa hoạn khi làm theo “thử thách đồng xu” – cắm sạc điện thoại sau đó nhét một đồng xu vào khe hở giữa ổ điện và hai chấu tiếp xúc.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, một trào lưu khác mang tên “thử thách Coronavirus” đã khiến Ava Louise, nữ sinh viên 22 tuổi, dám liếm vào bồn cầu trong nhà vệ sinh trên chuyến bay đến thành phố Miami (bang Florida, Mỹ). Tháng 6-2022, một nam sinh 18 tuổi ở Indonesia thiệt mạng sau khi tham gia thử thách “Thiên thần của cái chết” – đột ngột nhảy ra đường chặn đầu xe tải!

“Ma lực” nào ở TikTok?

Không thể phủ nhận TikTok đã tạo nên ảnh hưởng đáng kể trong cách khuyến khích người dùng sử dụng mạng xã hội, tương tác và bị cuốn hút. Nghiên cứu do tạp chí Harvard Business Review (HBR) thực hiện hồi đầu năm 2022 tìm cách giải thích điều gì thực sự xảy ra trong hành vi “lướt” điện thoại để xem video của chúng ta và dẫn đến cảm giác “nghiện” xem.

Hãy thử hình dung, bạn đang làm việc và có nhiều nhiệm vụ cần xử lý. Theo thói quen, bạn mở điện thoại, “lướt” mạng xã hội và trông thấy những gợi ý về video đáng xem. Bạn tự nhủ chỉ mất vài phút thôi rồi sẽ quay lại làm việc, nhưng thực tế bạn lại “lướt” hết video này đến video khác.

Nghiên cứu của HBR chỉ ra rằng 77% nhân viên sử dụng mạng xã hội trong giờ làm việc, nhiều người mất đến vài giờ mỗi ngày để “lướt” các bài đăng.

Nghiên cứu chỉ ra ba yếu tố ảnh hưởng đến việc người dùng chọn tiếp tục xem ảnh hoặc video thay vì chuyển sang hoạt động khác, bao gồm số lượng video mà họ đã xem, mức độ tương đồng giữa các video và cách thức mà họ đang xem.

Khảo sát cho thấy việc xem 5 video sẽ khiến người dùng có khả năng xem thêm một video khác cao hơn 10%. Những video được sắp xếp theo nội dung tương đồng khiến người dùng có khả năng tiếp tục xem cao hơn 21% so với các video không liên quan. Khi không bị gián đoạn, người dùng có xu hướng tiếp tục bấm xem cao hơn 22%.

Những kết quả trên lý giải vì sao người dùng rất dễ bị “cuốn” theo các ứng dụng như Instagram hay TikTok.

Các nền tảng này được thiết kế khiến người xem lọt vào một cái “hố” về hành vi trên mạng xã hội. Họ cung cấp các video hoặc bài đăng liên tiếp có kích thước nhỏ giúp dễ dàng xem nhanh, và thường tự động đề xuất các nội dung tương tự, tự động phát các nội dung này, làm giảm khả năng người dùng gián đoạn khi xem.

HBR khuyên để tránh sa đà vào việc lướt hết video này đến video khác, cần có mức độ giới hạn số video đang xem.

Nếu muốn xem nhiều video liên tiếp, hãy chọn các nội dung không liên quan, hoặc tìm cách cố ý làm gián đoạn quá trình xem của mình.

Gợi ý khác là đặt giới hạn thời gian cho việc dùng mạng xã hội, ghi chú trên bàn làm việc để tránh xem quá nhiều video tương đồng, luôn tự nhắc nhở bản thân về hành vi của mình…

Làm tổn thương con để “câu view”

Không phải toàn bộ người dùng TikTok tham gia những thử thách “quái gở” đều là người trẻ. Vẫn có những bậc cha mẹ dùng nhiều cách phản cảm, lấy con mình ra làm trò đùa, làm nhục để câu view.

Derek Hensley, ở bang Virginia (Mỹ), hồi tháng 4 đã lọt vào danh sách các phụ huynh bị giám sát vì hành vi “làm nhục trẻ em” trên mạng do video anh này đập nát tivi của con vì cô bé không làm việc nhà đạt 3,6 triệu lượt xem. Tháng 8-2020, một phụ huynh tên Tasha Fuller thậm chí lấy cắp tài khoản TikTok của con và đăng bài miệt thị đứa trẻ vì là người chuyển giới.

Trong một xu hướng TikTok mới đáng lo ngại xuất hiện vào tuần này, những đứa trẻ chia sẻ clip về việc cha mẹ gọi chúng là “sai lầm” và trong một số trường hợp có đề cập đến từ “hủy bỏ”. Một số phụ huynh lén quay con đang xem phim, uống nước và nói những câu gây tổn thương như: “Tôi muốn trả lại đứa con nuôi này, tôi ghét nó”, “Tôi nghĩ mình đã phá thai rồi, đứa trẻ này đúng là một tai nạn”, “Ai muốn nhận nuôi nó không?”… trong khi nhiều trẻ chừng 5, 6 tuổi với biểu cảm cho thấy không hiểu vì sao cha mẹ đang quay phim mình.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chơi tiktokMạng xã hộitai nạn chết ngườiTikTok

Các tin liên quan đến bài viết