Những món bình dân ở Việt Nam như: phở, cơm chiên, bánh mỳ… được nâng tầm với nguyên liệu đắt đỏ thượng hạng có giá bán cao gấp cả trăm lần so với thị trường.

Phở “chọc trời” giá 920.000 một bát

Thực đơn của một nhà hàng trong tòa nhà Landmark81 (TP HCM) từng gây xôn xao dư luận với món phở “chọc trời” có giá lên tới 920.000 một bát, đắt gấp cả chục lần so với phở bình dân trên thị trường.

Choáng với bát phở tiền triệu, cơm hộp 29 triệu đồng ở Việt Nam
Bát phở có giá 920 nghìn đồng. Ảnh: @letrung_347

Theo giới thiệu của nhà hàng, nguyên liệu tạo nên bát phở bao gồm đuôi bò Úc, thịt bò Wagyu, bánh phở và rau gia vị. Bò Wagyu được mệnh danh là “thịt bò ngon nhất thế giới”, được xem là cực phẩm của người Nhật.

Để miếng thịt có vân mỡ xen kẽ được phân đều với từng sớ thịt như cẩm thạch, người Nhật nuôi bò Wagyu trong vòng 30 tháng mới lấy thịt. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc bò được nghe nhạc, xoa bóp và nuôi tại những vùng núi với thời tiết trong lành, thuần khiết.

Choáng với bát phở tiền triệu, cơm hộp 29 triệu đồng ở Việt Nam
Menu của nhà hàng với món phở đắt đỏ

Thịt bò Wagyu cũng chính là nguyên liệu trong bát phở đắt nhất thế giới Phở AnQi, được bán ở Mỹ với giá 5.000 USD (hơn 100 triệu đồng).

Trên thị trường, tùy từng loại mà bò Wagyu có giá 3-7 triệu đồng/kg, thậm chí cả chục triệu đồng/kg.

Hộp cơm có giá 29 triệu đồng ở Hà Nội

Chỉ là cơm văn phòng nhưng hộp cơm đặc biệt này được một nhà hàng chào bán với mức giá đắt đỏ lên tới 29 triệu đồng/ hộp. Đây được mệnh danh là “cơm hộp đắt nhất Việt Nam”.

Theo đó, suất cơm 29 triệu đồng có thành phần chủ yếu là thịt bò Kobe A5, giống bò đắt nhất thế giới với giá bán hiện tại khoảng 14.500.000 vnđ/kg. Lượng bò sử dụng trong suất cơm này vào khoảng 1,5 kg.

Choáng với bát phở tiền triệu, cơm hộp 29 triệu đồng ở Việt Nam
Hộp cơm có giá 29 triệu đồng ở Hà Nội

Vì thế, nếu chỉ tính riêng phần thịt bò đã có giá thành gần 28 triệu đồng. Ngoài ra, trong suất cơm hộp đặc biệt này còn có thêm rau, ngô và nước sốt đi kèm, thức ăn cũng được đựng trong hộp gỗ với thiết kế riêng.

Theo chia sẻ của đại diện nhà hàng, cơm hộp đắt đỏ này chủ yếu dành cho những người có điều kiện kinh tế, có gu ẩm thực, sành ăn sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để được thưởng thức đặc sản.

Bánh mỳ “siêu đắt” giá 2,2 triệu đồng ở TP.HCM

Một nhà hàng ở TP. HCM cũng từng gây xôn xao dư luận khi đưa ra thực đơn với bánh mỳ “siêu đắt” giá 2,2 triệu đồng. Mức giá này được xem là gấp cả trăm lần lần so với những chiếc bánh mỳ kẹp thịt, pate trên thị trường.

Theo lý giải của nhà hàng, chiếc bánh mỳ được làm từ nguyên liệu đắt đỏ, với phần nhân là sự kết hợp giữa gan ngỗng béo và sườn heo nướng. Mỗi chiếc bánh mì, nhà hàng dùng khoảng 4 miếng gan ngỗng khoảng 40 gram/ miếng.

Choáng với bát phở tiền triệu, cơm hộp 29 triệu đồng ở Việt Nam
Bánh mỳ “siêu đắt” giá 2,2 triệu đồng ở TP.HCM

Quy trình làm khá kỳ công, gan ngỗng được áp chảo cho mỡ chảy ra, đầu bếp sẽ dùng phần nước mỡ rưới lên toàn bộ bánh mỳ vào khâu cuối để tạo độ béo, ngậy. Sườn cũng được nướng đảm bảo độ mềm, ngọt của thịt. Ngoài ra, nguyên liệu làm nên chiếc bánh mỳ đắt đỏ này còn có trứng cá tầm, rau sống, dưa leo, cà rốt thái sợi…

Một phần bánh có thể đủ ăn cho 2-3 người, thực khách có thể được tặng thêm khoai lang, rượu sâm banh khi đến thưởng thức.

Cơm chiên dát vàng đắt đỏ

Món cơm chiên đặc biệt này được một nhà hàng ở TP. HCM đưa vào menu phục vụ thực khách với tên gọi là cơm chiên tỷ phú, có giá 880 nghìn đồng.

Choáng với bát phở tiền triệu, cơm hộp 29 triệu đồng ở Việt Nam
Cơm chiên dát vàng đắt đỏ ở TPHCM

Nguyên liệu tạo nên suất cơm đắt đỏ bao gồm những nguyên liệu như gạo Nhật, bò Mỹ Black Angus, gan ngỗng, nấm Truffles, lạp xưởng Hong Kong cùng một miếng vàng dát mỏng phủ lên trên.

Phần cơm chiên được chế biến cầu kỳ. Khi ăn thực khách trộn đều tất cả các nguyên liệu và thưởng thức nóng hổi. Phần cơm dẻo, ăn cùng gan ngỗng béo ngậy hòa tan cùng vị ngọt đậm đà của thịt bò, lạp xưởng tạo nên nét đặc trưng riêng cho món ăn.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bánh mỳbát phởcơm chiên dát vàngđất đỏhộp cơm

Các tin liên quan đến bài viết