Một học sinh lớp 7 một trường THCS ở quận 12, TPHCM nhận được giấy mời họp phụ huynh ghi mời Ông/bà: Khai sinh không cha. Gia đình em vừa bức xúc vừa lo lắng sự tổn thương đến con trẻ…
Sự việc được phụ huynh ở TPHCM phản ánh, thư mời họp phụ huynh kết thúc học kỳ I của một học sinh lớp 7 tại một trường THCS ở quận 12 cầm về được ghi là mời ông/bà “Khai sinh không cha” đến họp phụ huynh.
Bên dưới thư mời có chữ ký của cô giáo chủ nhiệm N.T.C., kèm với lưu ý, khi đi họp phụ huynh phải mang theo thư mời.
Em học sinh này là con mẹ đơn thân nhưng cách gửi thư mời như vậy của cô giáo làm gia đình phẫn nộ và đau lòng, gia đình em học sinh đã đến trường phản ánh với cô giáo chủ nhiệm. Ban đầu, cô chủ nhiệm không thừa nhận mà “đẩy lỗi” cho rằng do lớp phó xử lý việc in thư mời này chứ không phải cô.
Thư mời ông/bà “Khai sinh không cha” đến họp phụ huynh
Phía người nhà em học sinh càng bức xúc với việc đùn đẩy thiếu trách nhiệm của cô giáo. Sự việc đã được gia đình học sinh phản ánh lên nhà trường.
Thông tin riêng của Dân trí, hiệu trưởng đã vào cuộc xử lý, yêu cầu cô N.T.C. nhận trách nhiệm về sự việc này. Trong hồ sơ, khai sinh của em học sinh này đúng là được lưu như trên, cô giáo in ra ký gửi học sinh mà không chú ý đến từng hoàn cảnh là lỗi máy móc, tắc trách của cô giáo.
Được biết, hiệu trưởng và cô chủ nhiệm đã đến nhà em học sinh xin lỗi, cô giáo cũng bị xử lý nội bộ.
Trao đổi về sự việc đau lòng này, TS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) bày tỏ có thể đây là lỗi vô tình, sơ suất, không cẩn thận của giáo viên. Tuy nhiên, hậu quả đối với em học sinh, với người mẹ, với người thân từ thư mời này là rất nặng nề.
Em học sinh sẽ rất tổn thương khi cầm tờ giấy mời này, nhất là khi em có sẵn những mặc cảm về thiệt thòi của mình.
Bà Phạm Thị Thúy cho hay, đối với sự việc này, chúng ta không nên bình luận, phán xét, bình phẩm cô giáo một cách quá mức. Chúng ta cũng cần nhìn thực tế và thông cảm là giáo viên rất nhiều việc, phải xử lý nhiều hồ sơ sổ sách nên khó để tránh những sai sót.
Hiện cô giáo đã xin lỗi học sinh. Các bên cần tránh làm lớn chuyện, tránh bàn tán ra vào ở cả trong nhà trường lẫn dư luận cũng là cách để tránh làm tổn thương thêm học sinh.
Tuy nhiên, sự việc cần được lên tiếng như là một bài học về văn hóa ứng xử cho tất cả mọi người, nhất là giáo viên. Khi gửi thư mời, liên lạc với phụ huynh hay trong các vấn đề tương tác với học sinh cần sự tế nhị, để tâm, quan tâm đến những trường hợp học sinh đặc biệt, để tránh sự cố, tổn thương không đáng có.
Theo bà Phạm Thị Thúy, học trò học từ giáo viên không chỉ học từ giáo viên bài giảng, kiến thức mà học nhiều nhất từ cách ứng xử của người thầy từ cử chỉ, lời ăn tiếng nói. Cách ứng xử của giáo viên cần có tính giáo dục, văn hóa, người thầy cần phải đến với học trò, giáo dục các em bằng chính cái tâm, bằng tình yêu thương dành cho trò.
Theo Dân Trí