Khi đến với TP.HCM, hơn 80% du khách quốc tế đều yêu cầu được khám phá chợ Bến Thành. Đây không chỉ là một địa điểm mua sắm mà còn là công trình biểu tượng du lịch của TP.HCM.

Du khách tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành (TP.HCM) - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Du khách tham quan, mua sắm tại chợ Bến Thành (TP.HCM)

Theo các công ty du lịch, việc chỉnh trang chợ lần này là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của du khách, doanh nghiệp, tiểu thương cũng như cơ quan quản lý. Ngoài ra, cần xem lại các bến đỗ, đậu xe xung quanh, đưa đón làm sao cho thuận tiện, nhất là sắp tới tuyến metro đi vào hoạt động.

Đến Việt Nam phải ghé chợ Bến Thành

Chuyên về dòng khách châu Âu tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Toản, giám đốc Công ty Image Travel & Events, cho biết nhiều du khách quốc tế chia sẻ nếu chưa ghé chợ Bến Thành thì hành trình của họ đến Việt Nam chưa trọn vẹn. Điều đó cho thấy chợ Bến Thành có một chỗ đứng rất lớn trong bản đồ du lịch.

Vì thế với công trình biểu tượng du lịch của TP.HCM như chợ Bến Thành, khi bảo tồn, không chỉ kiến trúc mà cả quang cảnh xung quanh, cần tạo cảnh quan để du khách có thể đi bộ, thân thiện khám phá. Du khách đến chợ để chiêm ngưỡng kiến trúc đặc biệt của TP.HCM cũng phải dễ kết nối và giao lưu với người dân địa phương.

“Ngoài nhà lồng chợ cần phải tu sửa, thành phố cũng cần cải tạo thêm cảnh quan bên ngoài. Cần xây dựng những lối đi hay tuyến đường để du khách có thể đi bộ và dễ dàng đến được với chợ. Điểm đến của chợ vẫn phải dễ dàng kết nối với những tuyến phố khác gần đó để tạo nên một không gian công cộng chung, thuận tiện cho du khách khám phá”, ông Toản đề xuất.

Theo ông Toản, với hiện trạng đang có đã vô tình “cô lập” chợ, du khách nào thực sự muốn tham quan chợ phải băng qua các điểm giao. “Nếu có được lối đi bộ, có những công trình thân thiện hơn, chúng ta mới giữ được chân khách du lịch lang thang, khám phá ăn uống, mua sắm, vui chơi…”, ông Toản góp ý.

Anh Trịnh Văn Tùng, hướng dẫn viên du lịch quốc tế, cũng cho biết ở các thành phố lớn nổi tiếng trên thế giới, bên cạnh những trung tâm thương mại lớn, bao giờ cũng có những ngôi chợ cổ rất thu hút du khách.

“Tôi dẫn rất nhiều đoàn khách tham quan TP.HCM, bản thân họ không hề thích vào các trung tâm thương mại hiện đại mà chỉ yêu cầu dẫn đi tham quan mua sắm ở chợ Bến Thành, chợ Bình Tây, muốn uống cà phê thương hiệu Việt. Do đó, khi tiến hành cải tạo chợ Bến Thành, cơ quan chức năng nên lưu ý giá trị truyền thống, lâu đời của không gian bên trong”, anh Tùng nói.

Ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý

Ông Phan Đình Huê, giám đốc Công ty Vòng Tròn Việt, cũng khẳng định vai trò của chợ Bến Thành trong điểm đến du lịch là rất lớn.

Trong khi đó, chợ Bến Thành không chỉ đang xuống cấp về mặt kiến trúc mà ngay cả cách vận hành chợ cũng có nhiều vấn đề, chưa bắt kịp với những đòi hỏi phát triển. Khách du lịch vẫn còn bị mua hàng không đúng giá, tình trạng nói thách, cung cách dịch vụ của chợ vẫn là đề tài của các cộng đồng du lịch.

Do đó theo chuyên gia này, nhân cơ hội sửa chữa kiến trúc, cơ quan quản lý cũng cần bàn đến nâng cấp quản lý chợ Bến Thành, ứng dụng công nghệ vào quản lý nguồn gốc hàng hóa hay giá bán.

Giá bán cần được cho phép nói thách đến ngưỡng nào đó để khi khách đến chợ Bến Thành mua sắm trong tâm thế thưởng thức, giải trí trong một chuyến du lịch chứ không phải lo nghĩ mua hàng kém chất lượng hay nói thách, nói hớ như thời gian qua.

“Chợ Bến Thành là sản phẩm du lịch rất khác biệt của thành phố và đã trở thành biểu tượng mà du khách nào đến đây cũng muốn tới khám phá. Việc nâng cấp cách quản lý để khách vào chợ cảm thấy thoải mái ngắm, tìm hiểu và mua sắm mới là sau cùng, họ cũng không phải lo lắng bị móc túi”, ông Huê nói thêm.

Theo anh Trịnh Văn Tùng, thời gian gần đây, để tạo điều kiện cho du khách tham quan mua sắm, chợ có kéo dài thời gian hoạt động, đóng cửa muộn hơn nhưng ánh sáng, đèn trang trí cho chợ về đêm vẫn chưa ổn.

Chưa tạo được đặc trưng, nổi bật của một công trình kiến trúc cổ. Trong khi đó, nếu phát triển chợ Bến Thành thành điểm đến check-in thân thiện, thành phố sẽ có thêm sản phẩm níu chân được du khách lưu trú dài ngày.

“Chúng ta có metro, những xe điện, có công viên 23-9, phải làm sao để khách dễ tiếp cận, kết nối chợ trong một không gian công cộng sinh động và lan tỏa ra các khu vực xung quanh như tuyến Lê Lợi, Nguyễn Huệ… vốn cũng đang trông chờ du khách đến”, lãnh đạo một công ty du lịch chia sẻ thêm.

* Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:

Cần phối hợp chỉnh trang khu vực chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành nằm ở vị trí đặc biệt. Trong thời gian tới, khi metro vận hành, chợ Bến Thành sẽ là điểm nhấn, có lượng khách đi lại lớn cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Do đó, việc cải tạo chợ Bến Thành phải tính toán đến phương án hạ tầng để đón lượng khách lớn này, làm sao khách đến chợ một cách thuận tiện và an toàn. Cũng không nên tách bạch chỉ cải tạo chợ mà cần phải xem xét khu vực bán kính 1km xoay quanh nhà ga metro Bến Thành để chỉnh trang, trong đó chợ Bến Thành là trung tâm.

Việc chỉnh trang nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh rất lớn cả ban ngày lẫn ban đêm khi metro vận hành bởi đây còn là bộ mặt của một thành phố du lịch, thành phố dịch vụ và là điểm nhấn phát triển kinh tế đêm. Với những tòa nhà xung quanh, chúng ta khuyến khích xanh hóa, trồng cây ở ban công để tạo nên một không gian hút khách.

Cho đến nay, chưa có quy hoạch khu vực chợ Bến Thành (chợ và khu vực xung quanh) một cách bài bản. Nếu chờ nữa sẽ mất thêm thời gian, cần xắn tay vào chỉnh trang theo hướng lập ban quản lý dự án chỉnh trang, nâng cấp khu vực chợ Bến Thành bao gồm đại diện chính quyền, ban quản lý chợ lẫn các tiểu thương, người dân để khởi động việc chỉnh trang.

Giá chuyển nhượng một gian hàng ở chợ Bến Thành từng ngang bằng với một căn nhà phố. Nếu chỉnh trang xong, giá trị kinh doanh lại tăng lên. Do đó, những phần nào thuộc khu vực công có thể bỏ ngân sách ra làm. Khu vực nào mang lại lợi ích trực tiếp cho tiểu thương, cần có sự chung tay của tiểu thương để sớm tạo được bộ mặt khang trang, xứng tầm cho chợ Bến Thành.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bến Thànhchợ Bến thành

Các tin liên quan đến bài viết