Malaysia đứng trước nguy cơ bất ổn mới, khi lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim tuyên bố đã có đủ sự ủng hộ của các nghị sĩ để lật đổ chính phủ của đương kim Thủ tướng Muhyiddin Yassin.
Đáp lại tuyên bố của ông Anwar, Thủ tướng Muhyiddin ngày 24-9 tuyên bố chính phủ của ông là hợp pháp và chừng nào ông Anwar chứng minh có được hơn 111 nghị sĩ ủng hộ thì hãy nói tới chuyện lập chính phủ mới. Mọi quyết định đều đang nằm trong tay nhà vua, người đang nhập viện vì đau tim.
Chiến thuật cũ
Hạ viện dân cử của Malaysia gồm 222 ghế, trong đó liên minh của ông Muhyiddin giữ thế đa số mong manh với 112 ghế, nhỉnh hơn 1 ghế so với quy định. Theo tờ Malay Mail, còn một chặng đường rất xa nữa ông Anwar mới có thể trở thành thủ tướng.
Nếu ông chứng minh được với Quốc vương Abdullah Sultan Ahmad Shad có đủ sự ủng hộ của hơn 111 nghị sĩ, cơ hội ngồi vào ghế thủ tướng chỉ mới 50%. Hiến pháp Malaysia nêu rõ Quốc vương có quyền giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử sớm hoặc chỉ định người có được sự tín nhiệm của hơn một nửa Hạ viện làm thủ tướng.
Tiến sĩ Oh Ei Sun, thành viên cao cấp tại Viện Các vấn đề quốc tế Singapore, cho biết đây không phải là lần đầu tiên ông Anwar tuyên bố sẽ lật đổ chính phủ hiện tại và thành lập chính phủ mới với ông làm thủ tướng. “Ông ấy không phải là ẩn số nguy hiểm gì bởi đã từng dọa như vậy sau tổng tuyển cử 2008 và 2014, nên mọi người đang đặt câu hỏi liệu lần này có phải như những lần trước”, Đài Channel News Asia (CAN) trích lời ông Oh nhận xét.
Đồng quan điểm, giáo sư Ahmad Martadha Mohamed thuộc Đại học Utara Malaysia lưu ý khi ông Anwar đưa ra tuyên bố ngày 23-9, không có bao nhiêu chính đảng lên tiếng ủng hộ sau đó.
Trong cuộc họp báo ngày 23-9, ông Anwar cho biết các nghị sĩ ủng hộ ông với tư cách cá nhân chứ không phải đảng phái. Ông Ahmad Zahid Hamidi, chủ tịch Mặt trận quốc gia – một đảng lớn trong Liên minh Quốc gia (PN) cầm quyền của Thủ tướng Muhyiddin – xác nhận có một số nghị sĩ trong đảng ủng hộ ông Anwar và ông sẽ không cản họ.
Nhưng sau tuyên bố của ông Anwar, các thành viên chủ chốt trong PN đã ký một tuyên bố chung tái cam kết sự trung thành với Thủ tướng Muhyiddin.
Bất ổn từ chuyện “nhảy đảng”
Anwar, chính trị gia năm nay đã 73 tuổi, vẫn miệt mài theo đuổi chiếc ghế cao nhất tại Putrajaya trong hai thập kỷ qua. Cơ hội lớn nhất đến vào năm 2018, sau khi Liên minh Hi vọng (PH) gồm các đảng do ông Mahathir Mohamad và vợ ông Anwar dẫn dắt giành chiến thắng lịch sử trong tổng tuyển cử. Ông Mahathir sau đó lên làm thủ tướng với lời hứa sẽ sớm chuyển giao quyền lực lại cho ông Anwar (lúc này vẫn chưa được phóng thích và xóa tội trạng tấn công tình dục đồng giới).
Tuy nhiên, vào tháng 2-2020, một chục nghị sĩ trong PH đã bí mật nhóm họp tại khách sạn Sheraton và quyết định rút khỏi liên minh, dẫn tới sự sụp đổ của chính phủ Mahathir. Ông Muhyiddin, với tư cách là chủ tịch Đảng BERSATU, đứng ra thu nạp và tập hợp các nghị sĩ khác để thành lập chính phủ mới, gián tiếp chấm dứt hi vọng được chuyển giao ghế thủ tướng của ông Anwar.
Sự kiện này khi đó được truyền thông Malaysia gọi bằng cái tên “Langkah Sheraton” và về sau được sử dụng như một thuật ngữ chỉ việc các chính trị gia Malaysia bí mật bắt tay nhau đằng sau hậu trường, từ đảng này nhảy sang đảng khác. Mặc dù cả ông Mahathir và ông Anwar đều chỉ trích ông Muhyiddin, nhưng theo giới quan sát, sự căm phẫn của ông Anwar là nhiều hơn cả.
Ông Sivahnanthan Ragava, một chuyên gia về luật hiến pháp, nhận định với tờ Malay Mail rằng trong chính trường Malaysia không có gì là chắc chắn và mọi thứ đều có thể thay đổi vào phút 90 bởi việc “nhảy đảng” vẫn được xem là chuyện hiển nhiên. “Langkah Sheraton có thể sẽ lại xảy ra một lần nữa với chính phủ của Anwar. Cần phải có luật chống lại việc “nhảy đảng” bởi nó đã có tiền lệ rồi” – ông Sivahnanthan ám chỉ sự kiện hồi tháng 2 năm nay.
Andrew Khoo, một chuyên gia luật hiến pháp Malaysia, lưu ý thời gian ông Anwar chờ yết kiến Quốc vương là cơ hội vàng cho Thủ tướng Muhyiddin. “Tốt nhất ông ấy nên tranh thủ thuyết phục những người đã ủng hộ ông Anwar quay trở lại tiếp tục ủng hộ mình”.
Khó xảy ra lật đổ
Theo Malay Mail, Đảng Công lý nhân dân của ông Anwar Ibrahim hiện có 38 ghế, nếu cộng thêm 11 ghế của Đảng Parti Amanah Negara đã công khai ủng hộ thì chỉ mới có 49 ghế. Đảng Hành động dân chủ đang có 42 ghế nhưng tuyên bố sẽ chỉ ủng hộ Anwar khi ông chứng minh đã có được ít nhất 112 nghị sĩ ủng hộ. “Giả sử tất cả các đảng trong PH đồng lòng ủng hộ, ông Anwar chỉ mới có được 91 ghế, vẫn còn thiếu tới 21 ghế nếu muốn lật đổ chính phủ của ông Muhyiddin”, Malay Mail phân tích.
Nguồn: tuoitre.vn