Về mặt tổ chức, Liên minh châu Âu (EU) đã thành lập Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh, Ủy ban Quân sự và Bộ Tham mưu quân sự.   

Ưu tiên hàng đầu trong chính sách quân sự của EU là hóa giải các “cuộc khủng hoảng” mức độ thấp, nhưng bị phức tạp hoá bởi các vấn đề đi kèm về chính trị, kinh tế – xã hội. Đây được xem là lĩnh vực để EU thực hiện độc lập hơn với Mỹ, NATO và can dự nhiều hơn vào đời sống quốc tế.

Cơ cấu hoạch định, điều hành

Trong Ủy ban Chính sách đối ngoại và an ninh, thành viên là đại sứ các nước thành viên, giải quyết vấn đề hợp tác trong các hoạt động chính trị – quân sự của các nước EU.

Ủy ban Quân sự là cơ quan quân sự cao nhất, chịu trách nhiệm đánh giá tình hình và đề xuất các phương án phối hợp tác chiến của các nước thành viên để giải quyết các tình huống khủng hoảng. Cơ quan này cũng phối hợp hành động với NATO trong lĩnh vực quân sự.

Chính sách quân sự của Liên minh châu Âu
Binh sĩ Đức thuộc lực lượng quân sự của EU.

Các quyết định quan trọng nhất được Ủy ban Quân sự thông qua trong phiên họp của các Tổng Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang (LLVT) các nước thành viên diễn ra 2 lần/năm. Chủ tịch Ủy ban Quân sự được Uỷ ban châu Âu bổ nhiệm trong số lãnh đạo cấp cao các nước thành viên trong thời hạn 3 năm.

Bộ Tham mưu quân sự chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định và kế hoạch của Ủy ban Quân sự, bao gồm tổ chức và tiến hành các chiến dịch dưới sự bảo trợ của EU.

Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu quân sự được bổ nhiệm trên cơ sở luân phiên tướng lĩnh từ quân đội các nước thành viên. Tuy nhiên, cơ quan này không thường xuyên có trong tay những phương tiện kỹ thuật cần thiết và số lượng đầy đủ những nhân viên có trình độ. Do đó, đến nay, đa số các chiến dịch của EU được triển khai trên cơ sở các cơ quan tương ứng của NATO hoặc LLVT các nước thành viên EU.

Các thành phần tác chiến

Lực lượng chiến đấu nòng cốt thực hiện chính sách quân sự của EU là lực lượng phản ứng nhanh (RF). Trong điều kiện bình thường, các đơn vị biên chế vào RF là các đơn vị trực thuộc quân đội quốc gia, quân số do mỗi nước thành viên quyết định căn cứ vào lợi ích quốc gia. Lực lượng này gồm 17 lữ đoàn, 14 tiểu đoàn lục quân và hải quân đánh bộ, hơn 350 máy bay chiến đấu, hơn 100 tàu và canô; tổng số binh sĩ khoảng gần 120.000 người.

Trong thành phần RF có 13 đơn vị cơ động cao với quân số khoảng 1.500 người. Khi cần thiết, trong vòng 5 ngày, đơn vị này phải chuẩn bị xong việc chuyển quân đến khu vực khủng hoảng và hoạt động ở đó trong khoảng 1 tháng. Mỗi đơn vị có thể gồm tới 4 đại đội bộ binh/bộ binh cơ giới, 1 đại đội xe tăng-thiết giáp, khẩu đội pháo dã chiến và bảo đảm hậu cần.

Các nhóm chiến đấu chiến thuật này được sử dụng trong các tình huống khủng hoảng, tạo điều kiện cho việc triển khai ở khu vực xung đột lực lượng kiến tạo hòa bình chủ lực, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và sơ tán công dân các nước EU ở nước ngoài.

Để hỗ trợ cho nhiệm vụ kiến tạo hoà bình, EU đã thành lập cơ cấu chống “khủng hoảng dân sự” với quân số lên đến 15.000 người, gồm các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhân viên cứu trợ, bác sĩ, kiến trúc sư, các nhóm chuyên gia về lĩnh vực luật pháp và quản lý. Họ được lên kế hoạch hoạt động độc lập hoặc phối hợp hành động với các lực lượng phản ứng của Liên minh.

Bộ phận quan trọng trong cơ cấu chống khủng hoảng dân sự là lực lượng cảnh sát EU. Thành phần của lực lượng này gồm các đơn vị quân đội Italia, hiến binh quốc gia Pháp, hiến binh quân đội Hà Lan, quân cận vệ dân sự Tây Ban Nha và quân cận vệ quốc gia Thổ Nhĩ Kỹ (tất cả lên đến 3.000 người).

Khi diễn ra các chiến dịch được tiến hành theo quyết định của EU, NATO, Liên Hợp quốc… lực lượng này có nhiệm vụ duy trì trật tự xã hội, bảo đảm chấp hành kỷ luật quân đội ở các cơ quan của lực lượng quốc tế, giúp đỡ các cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương, tham gia khắc phục hậu quả thiên tai và ngăn chặn các thảm họa nhân đạo.

Việc bảo vệ biên giới chung và tuyến giao thông trên biển nối châu Âu với Bắc Mỹ và các khu vực trọng yếu khác là trách nhiệm của các binh đoàn hải quân đa quốc gia, được hình thành bởi các đội tàu ngầm Pháp- Đức, quân đoàn đổ bộ đường biển Tây Ban Nha – Italia và lực lượng hiến binh châu Âu.

Mới đây, 9 nước châu Âu đã đồng tình với đề xuất của Pháp về việc thành lập quân đội chung. Tuy nhiên, đây không phải là việc có thể thực hiện trong thời gian ngắn trong bối cảnh kinh tế EU đang gặp khó khăn, lại phải trải qua rất nhiều vòng đàm phán để các nước thành viên thống nhất quan điểm, cách thức và quy trình thực hiện.

Ngoài ra, để thành lập một quân đội chung, các nước EU cũng phải tìm ra phương án tích hợp 180 hệ thống vũ khí khác biệt nhau để có thể phối hợp nhuần nhuyễn trên chiến trường. Trở ngại cuối cùng là Mỹ không mấy mặn mà với ý tưởng này.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : châu ÂuEUQuân sựtin quân sự

Các tin liên quan đến bài viết