Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà tăng liên tục thời gian qua là nguồn cung căn hộ hạn chế. Do chính sách phức tạp, kéo dài khiến các chủ đầu tư rất khó triển khai dự án, đưa sản phẩm ra thị trường.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ về giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
Tìm đúng nguyên nhân khiến giá nhà tăng cao trong thời gian qua mới giúp đưa giá về mức hợp lý trong thời gian tới.
Cần nhiều điều chỉnh để giảm giá nhà
Tại buổi tọa đàm “Mua nhà để ở: Bây giờ hay đợi thêm?” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 18-7, ông Nguyễn Mạnh Khởi, phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đề xuất để tháo gỡ dần khó khăn cho thị trường bất động sản, chúng ta cần tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi các quy định về giá đất, đấu giá, đấu thầu; điều chỉnh cơ cấu chính sách về tín dụng.
Ngoài ra, phải tiếp tục tháo gỡ các vấn đề pháp lý, quy hoạch tạo điều kiện cho thị trường phát triển, nhất là tăng nguồn cung nhà ở xã hội bởi nhu cầu hiện nay là rất lớn.
Đối với các chủ đầu tư, ông Khởi cho rằng nên có những chính sách bán hàng hợp lý, điều chỉnh cơ cấu căn hộ hài hòa, giá nhà phù hợp với nhu cầu người dân. Tăng cường thông tin chính thống để tạo niềm tin cho người mua.
Ban tổ chức tặng hoa cảm ơn các khách mời tham dự tọa đàm
“Thực tế hiện nay có quá nhiều luồng thông tin khác nhau khiến người dân không biết nên tin vào ai. Điều đó còn khiến xảy ra hiện tượng lừa đảo… Ngoài ra, cần có biện pháp đánh giá nhu cầu thực của người dân để tạo nguồn cung phù hợp thị trường”, ông Khởi nhận định.
Về thủ tục hành chính, ông Khởi cho rằng các địa phương phải tích cực vào cuộc giải quyết các vướng mắc của các dự án bất động sản, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Từ đó làm khó các doanh nghiệp, khiến chi phí đầu tư đội lên…
Nguồn cung ít nên giá nhà cao
Trong khi đó, TS Sử Ngọc Khương, giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, cho rằng nguyên nhân lớn nhất về sự khó khăn của thị trường bất động sản bao nhiêu năm nay là vấn đề pháp lý.
Cụ thể, theo ông Khương, một mình Bộ Xây dựng không thể giải quyết được, trong khi quy hoạch và tốc độ đô thị hóa của chúng ta hiện có biên độ rất lớn. Ngoài ra, không có tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và Nhà nước cũng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
TS Sử Ngọc Khương, giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, cho rằng giá nhà tăng cao là do nguồn cung hạn chế
“Chúng ta đã có rất nhiều hội nghị, hội thảo bàn tới bàn lui nhưng vẫn chưa giải quyết được. Điều đó dẫn đến doanh nghiệp khổ, người dân khổ. Ai cũng biết vấn đề cung ít thì giá nhà cao, nhưng tại sao cung ít. Đây là vấn đề cần nhiều cơ quan nhà nước chung tay giải quyết, chứ nếu không thì chúng ta sẽ cứ bàn hoài và làm khó nhau”.
Bên cạnh giá, ông Khương còn cho rằng thu nhập và tích lũy của người dân cũng là vấn đề cần bàn. Cụ thể, nếu người dân có đủ tiền và lãi suất tốt thì họ sẽ mua nhà ngay. Nhưng họ sẽ phải liệu đến tính ổn định của công việc để còn trả lãi ngân hàng.
“Chẳng hạn hiện nay thu nhập một cặp vợ chồng trẻ chừng 30 triệu nếu mua căn nhà 2 tỉ là một vấn đề lớn, bởi họ không biết công việc có ổn định trong thời gian dài hay không”, ông Khương chia sẻ.
Góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, tổng giám đốc Công ty Lê Thành, cho rằng lợi nhuận từ dự án nhà ở xã hội phải đạt từ 10% thì doanh nghiệp mới mạnh tay đầu tư. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó, không đảm bảo được mức lợi nhuận vì gặp vướng về chính sách, lãi suất ngân hàng cao, giá vật tư đầu vào tăng…
“Chúng tôi khuyên người dân có nhu cầu nên xuống tiền mua nhà nếu lựa chọn được căn nhà có giá phù hợp. Nếu chúng ta được người thân, bạn bè cho vay không lãi suất thì quá tuyệt. Còn nếu không thì ngân hàng cũng nên có cơ chế hỗ trợ người dân mua nhà lần đầu, người trẻ lập nghiệp, không phân biệt thu nhập”, ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM – nói.
Nguồn: tuoitre.vn