“Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” là giải việt dã được khởi xướng vào những năm 90 của thế kỷ trước. Từ một giải phong trào được Huyện đoàn Phước Long tổ chức cho đoàn viên, thanh thiếu niên trên địa bàn huyện tham gia, qua từng năm, giải ngày càng sôi động, phát triển mạnh và trở thành Giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá”. Năm 2025, giải được UBND tỉnh Bình Phước tổ chức lần thứ 30. Sự kiện thể thao này diễn ra có ý nghĩa đặc biệt, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Phước Long (6-1-1975 – 6-1-2025).
Bài 1:
MÙA GIẢI ĐẦU TIÊN VÀ NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH
Đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng khi nhắc lại những kỷ niệm về giải việt dã Phước Long, hiện là Giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá”, từ người khởi xướng giải, đến những thế hệ vận động viên (VĐV) đầu tiên vẫn bồi hồi, xúc động. Không khí luyện tập thi đấu và tinh thần thể thao sôi nổi của một thời tuổi trẻ lại ùa về khiến những người từng được vinh danh “Vua leo núi” và “Nữ hoàng leo núi” như sống lại những ngày sôi động đó.
Giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” thu hút hàng ngàn vận động viên từ các tỉnh, thành trong cả nước và nước ngoài tham gia. Trong ảnh: Các vận động viên tranh tài mùa giải năm 2024
Nhớ mùa giải đầu tiên
Một buổi sáng cuối năm, thời tiết trên địa bàn thị xã Phước Long se lạnh. Những tia nắng kéo mặt trời dần lên cao, rồi vượt qua đỉnh núi Bà Rá khiến những đám mây trắng tản ra. Không khí ấm dần trở lại. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Phó Bí thư Huyện đoàn Phước Long, được cho là một trong những người khởi xướng giải việt dã Phước Long từ những năm 90 của thế kỷ trước cùng chúng tôi đến thăm Tượng đài chiến thắng Phước Long. Chân tượng đài là địa điểm xuất phát cho các giải việt dã hằng năm. Ông Quang chia sẻ: Sau giải phóng, tinh thần khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo gương Bác Hồ vĩ đại là mục tiêu quan trọng được đặt ra đối với thế hệ trẻ. Do vậy, Ban Chấp hành Huyện đoàn Phước Long quyết định tổ chức giải việt dã. Những năm đầu, giải thu hút đông đoàn viên, thanh thiếu niên khối dân chính đảng và lực lượng vũ trang tham gia. Năm 1993, giải việt dã leo núi phong trào với tên gọi: “Giải việt dã leo núi Bà Rá, tranh cúp truyền hình Sông Bé” được Đài Phát thanh – Truyền hình Sông Bé phối hợp huyện Phước Long tổ chức đúng ngày kỷ niệm giải phóng Phước Long (6-1-1975). Sau ngày chia tách tỉnh, Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước và huyện Phước Long tiếp tục duy trì tổ chức giải. Đến năm 2005, giải được nâng tầm lên thành Giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá”.
Ông Lê Văn Quang, một trong những người khởi xướng giải việt dã Phước Long từ những năm 1990 trò chuyện với phóng viên tại chân Tượng đài chiến thắng Phước Long
Sau nhiều năm gắn bó với giải, nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc, ông Quang bồi hồi: “Chỉ sau vài lần tổ chức, giải đã có sức lan tỏa rộng khắp, thu hút nhiều đoàn VĐV trong và ngoài tỉnh tham gia. Tôi còn nhớ, có những đoàn VĐV ở các tỉnh khác đến Phước Long trước giải đấu hàng tháng để tập luyện, làm quen địa hình, khí hậu nơi đây. Khi đó, tôi và đồng nghiệp cùng các đồng chí lãnh đạo huyện thường đi thăm, động viên các đoàn tại nhà nghỉ, khách sạn, các cơ quan, xí nghiệp và cả ở nhà dân nữa. Khi đài Sông Bé bắt đầu phối hợp với Phước Long tổ chức giải, đài đã huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật để truyền hình trực tiếp giải đấu. Không chỉ truyền hình theo một vài điểm cố định mà còn truyền hình lưu động theo từng bước chân của các VĐV. Mặc dù tình hình kinh tế – xã hội lúc bấy giờ còn khó khăn, song giải đã thu hút hàng ngàn VĐV ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước về tham gia, vui như ngày hội”.
Gặp “Vua leo núi” và “Nữ hoàng leo núi”
Theo lời giới thiệu của ông Quang, chúng tôi liên hệ với “Nữ hoàng leo núi” Phạm Thị Tánh và “Vua leo núi” Tô Văn Hoàng – hai VĐV của những mùa giải đầu tiên và họ liên tục giữ vững danh hiệu trong nhiều năm liền.
Chúng tôi đến thăm bà Tánh tại nhà riêng ở thôn Tân Phú, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng. Khác hẳn những gì tôi hình dung trước đó, bà Tánh dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, cách nói chuyện khiêm nhường, nhưng giọng nói đầy nội lực. Cầm trên tay những dải băng vinh danh in dòng chữ “Nữ hoàng leo núi” được ban tổ chức trao tặng qua từng năm, bà Tánh đeo lên vai và bồi hồi chia sẻ: “Tôi đã có tuổi rồi, nhưng mỗi khi nói đến thể thao, máu trong người như sôi lên, cảm giác rất hân hoan. Không khí sôi nổi của những ngày xưa ấy lại ùa về. Đặc biệt là âm thanh rộn rã của bài hát Từ thành phố miền cao: “…nào anh em ta chạy, chạy lên đỉnh cao, nào chị em ta chạy, chạy lên đỉnh cao…” cứ văng vẳng bên tai”.
Bà Phạm Thị Tánh xúc động khi khoác lại dải băng vinh quang “Nữ hoàng leo núi” và nâng chiếc cúp vô địch
Bà Tánh cho biết, lần đầu tiên bà tham gia là giải phong trào của huyện Phước Long. Thời điểm đó, bà là giáo viên Trường tiểu học Long Phú, xã Bù Nho. Bà tham gia với tư cách VĐV tự do. Lần đầu tiên tranh tài, bà đã về đích sớm nhất. Sau mùa giải đầu tiên, bà được gọi vào đội tuyển chuyên nghiệp của tỉnh. Trong 5 năm tham gia liên tiếp sau đó, bà đều đạt danh hiệu “Nữ hoàng leo núi” không chỉ đối với đỉnh cao Bà Rá mà còn là “Nữ hoàng leo núi Tà Cú”, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Nhớ lại quãng thời gian tham gia giải chinh phục đỉnh cao Bà Rá, bà Tánh kể, ngày đó, nhiều VĐV lên núi tập luyện, làm quen với địa hình. Nhưng bà bận dạy học, nuôi con nhỏ nên tranh thủ tập luyện ở bậc thềm nhà và dốc cầu suối Rạt trên ĐT741. “Lúc đó, 3 giờ sáng mỗi ngày tôi đã dậy tập. Tôi đặt mục tiêu phải chạy 8 vòng lên, xuống dốc cầu suối Rạt. Vừa chạy vừa tính thời gian để cố gắng hôm sau chạy nhanh hơn hôm trước. Sau khi về, tôi nghỉ mệt một lúc rồi tập nhảy lên, nhảy xuống bậc tam cấp đầu hè nhà mình. Cứ nhảy 1.000 lần, nghỉ mệt 5 phút rồi lại bật nhảy tiếp. Tôi luyện tập liên tục như vậy trong 3 tháng nên khi thi đấu rất tự tin và luôn về đích sớm nhất”- Bà Tánh chia sẻ.
Cũng với thành tích 5 năm liền đạt danh hiệu “Vua leo núi” Bà Rá, ông Tô Văn Hoàng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Phước chia sẻ về kinh nghiệm luyện tập và những kỷ niệm đáng nhớ. Ông tham gia Giải việt dã “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” 6 năm. Trong đó, năm 1994, ông tham gia hệ phong trào của lực lượng vũ trang huyện Phước Long đoạt giải nhì. Trong 2 năm 1995 và 1996, ông tham gia hệ tuyển của tỉnh, đoạt danh hiệu “Vua leo núi”. Năm 1997 chia tách tỉnh nên không tổ chức. Đến các năm 1998, 1999 và 2000, ông tham gia hệ phong trào và đều giữ vững danh hiệu “Vua leo núi”.
Ông Tô Văn Hoàng từng đoạt thành tích 5 năm liền “Vua leo núi” Bà Rá
Ông Hoàng chia sẻ bí quyết thi đấu: “Ngoài nỗ lực tập luyện, người chạy phải biết phân phối sức trên từng chặng đua. Đặc biệt, trong quá trình thi đấu, ý chí của VĐV giữ vai trò quan trọng. Phải quyết tâm vượt qua mục tiêu của mình mới có cơ hội thắng đối thủ”.
Mặc dù nhiều năm qua, ông Hoàng và bà Tánh không tham gia giải chạy nào, nhưng họ luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt đối với Giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá”. Ngày 6-1 tới sẽ diễn ra giải đấu lần thứ 30, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Phước Long (6-1-1975 – 6-1-2025). Ông Hoàng và bà Tánh cho biết, sẽ cố gắng luyện tập, tham gia giải để ôn lại kỷ niệm một thời tuổi trẻ.
Nguồn Báo Bình Phước