Sáng nay (17/5), tại Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017. Hội nghị năm nay có chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, có quy mô gấp 4 lần năm 2016 với khoảng 2.000 đại biểu, trong đó, khoảng 1.500 đại biểu là các doanh nghiệp tư nhân.

Toàn cảnh hội nghị tại Thủ đô Hà Nôi

Tại điểm cầu Bình Phước, bà Trần Tuệ Hiền – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước, Chủ tịch HĐND tỉnh và bà Huỳnh Thị Hằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước chủ trì hội nghị. Về dự hội nghị còn có lãnh đạo các huyện, thị xã và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá, trong năm 2017, bên cạnh những thuận lợi thì nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Qua hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp có phát biểu hiến kế, kiến nghị đến Thủ tướng. Hội nghị bước vào phần thảo luận dưới sự điều hành của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Cụ thể, Tổng Giám đốc HSBC Phạm Hồng Hải nêu các kiến nghị về liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, tập trung đầu tư phát triển những lĩnh vực có lợi thế; nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh cải cách giáo dục, đào tạo; giải pháp nâng cao năng lực, giá trị cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt;…

Bà Thái Hương – Chủ tịch Tập đoàn TH đề xuất: Chính phủ cần ban hành ngay quy chuẩn về an toàn thực phẩm đối với từng sản phẩm, đặc biệt là tiêu chuẩn sản phẩm sữa; giải pháp triển khai chương trình sữa học đường.

Ông Phạm Văn Sơn, đại diện doanh nghiệp sản xuất vacine, thuốc thú y, bảo vệ thực vật kiến nghị: Sớm có giải pháp giải cứu ngành chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; chỉ đạo các bộ ngành, địa phương vào cuộc tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi; huy động doanh nghiệp vào cuộc xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia về nông nghiệp; có chính sách quy hoạch phát triển chăn nuôi, nông nghiệp…

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước

Ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân kiến nghị, cần phải tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và tư, tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư…

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị, Chính phủ đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh cải thiện tính minh bạch trong đầu tư, nhất là trong các quy định của pháp luật. Vừa qua Chính phủ đã đạt được những thành tựu trong lĩnh vực hải quan, thuế,… đại diện Doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục thực hiện các khởi xướng mạnh mẽ nhất để thực hiện được những điều chưa từng có từ trước tới nay.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đã có 16 ý kiến của doanh nghiệp, Hiệp hội trong và ngoài nước đăng ký phát biểu. Do hạn chế thời gian, đề nghị các doanh nghiệp, Hiệp hội chưa có điều kiện phát biểu gửi kiến nghị về Văn phòng Chính phủ.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời, giải đáp đầy đủ các kiến nghị của doanh nghiệp. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua đã tổ chức hơn 1.000 cuộc đối thoại; trả lời hàng chục nghìn kiến nghị của doanh nghiệp gửi tới. Bên cạnh đó, Bộ cũng đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp,…

Thời gian tới Bộ sẽ tập trung cải cách hành chính, cầu thị lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện các chính sách về tài chính để tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng cũng trả lời các kiến nghị về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xe ô tô nhập khẩu; thuế xuất khẩu các mặt hàng xi măng, thép, tôn, dây điện; áp dụng thuế với máy móc nông nghiệp chuyên dùng,… do VCCI gửi trước thềm Hội nghị.

Về ý kiến của các Hiệp hội, doanh nghiệp nêu tại Hội nghị, Bộ Tài chính tiếp thu và nghiên cứu điều chỉnh hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Bộ Tài chính cam kết tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế, hải quan, chủ động vươn lên phát triển bền vững.

Phát biểu kết luận Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều cam kết mạnh mẽ. Thủ tướng chia sẻ, các doanh nghiệp yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư; không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp; không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả; các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh; môi trường kinh doanh có độ tin cậy cao, vững chắc để mọi người yên tâm đầu tư và mở rộng kinh doanh.

Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp…

Thanh Hà

Từ khóa : 24hbinhphuoc.com.vnChính phủmôi trường kinh doanh mới

Các tin liên quan đến bài viết