Thành công của Việt Nam xuất phát từ sự cam kết về một Chính phủ kiến tạo và hành động. Điều này đã tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn cho cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Nền kinh tế toàn cầu đã trải qua một năm 2016 đầy những sự kiện bất ngờ, như sự kiện Brexit và chiến thắng của tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm chạp… Tuy nhiên, bất chấp sự không bền vững, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định, tăng trưởng GDP vượt mức trung bình của các nước Đông Nam Á và các nền kinh tế đang nổi tại Châu Á.
Thị trường chứng khoán của cả nước cũng tăng lên đáng kể trong suốt cả năm, với chỉ số VN Index và HNX Index tăng trưởng 15% so với năm 2015. Tổng vốn hóa thị trường của các sàn giao dịch nổi bật nhất của Việt Nam là 37% GDP.
Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên thế giới.
Cải cách thủ tục hành chính, động lực cho nền kinh tế phát triển
Dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, hệ thống tài chính Việt Nam đã tiếp tục phát triển. Việc cam kết tạo môi trường kinh doanh thuận lợi đã giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục chảy vào Việt Nam trong vòng 10 năm qua. Các doanh nghiệp FDI chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Việc đưa ra các khuôn khổ pháp lý mới chính là chìa khóa để thu hút các khoản đầu tư nước ngoài và kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định lãi suất trong nước.
Bằng cách áp dụng các chính sách tài khóa linh hoạt, Chính phủ đã biến Việt Nam thành một môi trường thuận lợi cho việc kinh doanh. Giảm thuế cho các ngành cụ thể, giảm thuế doanh nghiệp và cung cấp một số gói hỗ trợ cho cả doanh nghiệp nước ngoài và địa phương. Các gói này chủ yếu tập trung vào tăng trưởng và thu hút đầu tư, giúp phát triển nhà ở xã hội và nông nghiệp công nghệ cao đồng thời hỗ trợ cho những Startup đang gia tăng ở Việt Nam.
Chính phủ đã dành nhiều ngân sách hơn cho sự phát triển của khu vực tư nhân, động lực quan trọng của nền kinh tế trong những năm gần đây, đóng góp 40% GDP.
Để thực hiện được điều này, Chính phủ Việt Nam đang tiến hành đổi mới toàn diện hệ thống quản lý. Bằng cách đơn giản hóa các thủ tục, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia và cải thiện tính minh bạch, chính phủ đã tạo ra một môi trường hướng tới kinh doanh quốc tế. Trên thực tế, những thay đổi do Chính phủ kiến tạo đã đưa Việt Nam tăng lên 9 bậc trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh năm 2017 của Ngân hàng Thế giới.
Nhằm khuyến khích tăng trưởng hơn nữa, chính phủ đã tìm cách làm rõ vị trí của mình trong thị trường. Kể từ đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã cập nhật hàng ngày về tỷ giá hối đoái và thị trường ngoại hối của cả nước. Những thông báo này đã giúp chuẩn hóa các đánh giá thị trường và làm giảm các nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Chính phủ cũng đã công khai những ngành mà họ dự định sẽ duy trì cổ phần chi phối, và những doanh nghiệp nào sẽ rút vốn từ trong tương lai gần. Sự minh bạch này đã củng cố thị trường chứng khoán của đất nước, giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về thị trường và tăng cường vị thế của các doanh nghiệp nhà nước.
Hơn thế nữa, sự công khai, minh bạch này sẽ khuyến khích một loạt các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm tới, với nhiều doanh nghiệp nhà nước có kế hoạch tham gia. Nếu các đợt IPO này diễn ra, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có thêm các nhà đầu tư có chất lượng, và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình tại thị trường, qua đó rót thêm vốn vào nước này. Dự kiến, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt mức tăng cả về giá trị và tính thanh khoản trong năm 2017.
Đối với ngành Ngân Hàng, Chính phủ đã đẩy mạnh việc tái tổ chức, tái cấu trúc các khoản nợ của các ngân hàng thương mại cổ phần và hợp nhất hoặc sáp nhập các ngân hàng thua lỗ để nâng cao năng lực vốn. Điều này đã giúp chuẩn hóa các doanh nghiệp nhà nước và cho phép các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của cả công ty nhà nước và tư nhân.
Thu hút đầu tư nước ngoài
Việt Nam hiện nay được xem là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới đối với giới đầu tư nước ngoài. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cam kết của Chính phủ trong việc thiết lập một môi trường kinh doanh thân thiện đã được chứng minh qua số vốn FDI tăng đều đặn từ năm 2009, lên đến 15,8 USD vào năm 2016. Sản xuất vẫn là ngành công nghiệp phổ biến nhất đối với đầu tư nước ngoài. Trong những tháng tới, Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghệ công nghệ cao và các hoạt động thân thiện với môi trường nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước.
Thị trường rộng lớn của Việt Nam với dân số đông (60% dân số trong độ tuổi dưới 35) đã thu hút được sự quan tâm ngày càng tăng từ các quốc gia như Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, tất cả đều đã cam kết hội nhập kinh tế thông qua các hiệp định tự do thương mại đặc biệt. Trên thực tế, Việt Nam hiện có 16 hiệp định tự do thương mại với các đối tác chiến lược từ khắp nơi trên thế giới.
Kết quả là Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng các thương vụ sáp nhập và mua lại (M & A) trong vài năm trở lại đây. Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển cho thấy số thương vụ M & A đã tăng lên đến 61% vào năm 2015, với 531 thỏa thuận với tổng giá trị 5 tỷ USD được thực hiện trong thời gian này. Sự tăng trưởng này tiếp tục vào năm 2016, với hơn 600 giao dịch và dự kiến sẽ tăng trở lại vào năm 2017. Quy mô của những giao dịch này cũng tăng lên, với tổng giá trị M & A năm 2016 lên tới 6 tỷ USD. Đáng chú ý, đầu tư nước ngoài chiếm đến 46% tổng số M & A trong giai đoạn này.
Với sự mở cửa của nền kinh tế, nhiều giao dịch lớn đã được tiến hành giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty nước ngoài. Ví dụ, nhà bán lẻ Thái Lan TCC Holding đã mua lại Metro Cash and Carry Vietnam, trong khi hãng vận tải Nhật ANA Holdings mua cổ phần Vietnam Airlines. Những hợp đồng này giúp Việt Nam đứng ở vị trí thứ 15 trong bảng xếp hạng M & A toàn cầu, tương phản rõ rệt với sự suy thoái kinh tế ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Đầu tư gián tiếp ở Việt Nam cũng đạt mức cao kỷ lục. Tính đến tháng 2 năm 2017, đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam đã lên đến 20 tỷ USD.
Có thể nói, thành công của Việt Nam xuất phát từ sự cam kết của Chính phủ trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn cho cả các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Chính phủ đã đưa ra một số thay đổi về quy định để giúp tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp ngoài. Tinh thần hướng nghiệp này cũng đã kích thích sự tăng trưởng của khu vực tư nhân, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ý Nhi/nhaquanly.vn