Việc xây nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh đã có từ hơn 10 năm trước, nhưng phát triển mạnh nhất từ năm 2015 đến nay. Ngoài phương pháp nuôi và khai thác tổ yến truyền thống, nhiều doanh nghiệp trẻ đã ứng dụng công nghệ điều khiển từ xa trong việc nuôi chim yến khá thành công. Tuy nhiên giá thành sản phẩm tổ yến trong nước còn cách khá xa so với các nước trong khu vực như Maylaysia, Thái Lan, Indonesia… Đơn giản bởi sản phẩm tổ yến của các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như cả nước chưa có thương hiệu.

KHỞI NGHIỆP THEO TIẾNG CHIM TRỜI

“Nếu đầu tư mỗi héc ta cao su từ khi trồng đến lúc thu hoạch phải mất 6 năm. Tiền cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu cộng với công chăm sóc cũng mất ít nhất 600 triệu đồng/ha. Đầu tư cho một nhà yến 200m2 cũng mất chừng ấy tiền và thời gian. Với giá mủ cao su hiện nay, 1 ha cao su cho thu cao nhất 10 triệu đồng/tháng. Còn nhà yến sau 6 năm có thấp nhất cũng được 1kg tổ yến/tháng. Giá tổ yến thô thấp nhất hiện nay cũng được 20 triệu đồng/kg. Anh thử tính xem, cái nào có lợi hơn?” – ông Đinh Hồng Ảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nha Bích (Chơn Thành) phân tích.

NHÀ NHÀ NUÔI CHIM YẾN

Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chơn Thành, toàn huyện hiện có trên 60 hộ với khoảng 120 nhà nuôi chim yến. Riêng xã Nha Bích có 100 nhà thuộc 28 hộ nuôi khác nhau. Điều đó cho thấy, có hộ sở hữu 3 hoặc 4 thậm chí 5 nhà nuôi chim yến. Cách bán kính UBND xã Nha Bích chưa đầy 500m đã có gần 10 nhà yến đang trong quá trình xây dựng và kinh doanh. Trong số ấy, trước hết phải kể đến nhà yến của gia đình ông Thân Văn Đắc, đối diện cổng trụ sở UBND xã Nha Bích. Năm 2010, ông tận dụng tầng lầu ngôi nhà của mình chừng 75m2 để thiết kế nuôi chim yến với mục đích bồi bổ sức khỏe cho gia đình. 3 năm đầu sau xây dựng, nhà yến của gia đình ông cho thu bình quân mỗi năm 2,9kg; đến năm thứ 5, cho sản lượng 20kg. Thấy chim yến về ngày càng nhiều, gia đình ông mở rộng thêm 100m2 diện tích nhà nuôi. Năm 2017, gia đình ông thu về 80kg tổ trên tổng diện tích 175m2 nhà nuôi chim yến. Giá bán tổ yến thô 23 triệu đồng/kg, nếu được sơ chế dao động từ 35-50 triệu đồng/kg, tùy chất lượng của tổ yến sau sơ chế.

Các nhà nuôi chim yến đã và đang mọc lên ở ấp 4, xã Nha Bích (Chơn Thành)

Nhìn hàng xóm có nguồn thu lớn từ việc nuôi chim yến, anh Nguyễn Đình Quốc, đối diện nhà ông Đắc đang kinh doanh nhà trọ chuyển sang đầu tư xây dựng 100m2 nhà nuôi chim yến. Sau 4 năm, nhà yến của anh hiện cho thu hoạch ở mức khiêm tốn nhất mỗi tháng cũng được 1kg. Sản phẩm của anh có đến đâu người dân đặt mua hết đến đó. Chưa dừng lại ở đó, anh Quốc còn kiêm luôn việc tư vấn, xây lắp nhà nuôi chim yến. Anh Quốc cho biết, nhu cầu xây dựng nhà nuôi chim yến hiện nay rất lớn nên đa số những gia đình có kinh nghiệm nuôi chim yến chuyển sang làm tư vấn, thiết kế hệ thống âm thanh, độ ẩm cũng như dàn phun sương để dẫn dụ chim yến. Đây là phần việc không tốn nhiều chi phí quản lý nên đa số các hộ kinh doanh nuôi chim yến lựa chọn để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

NUÔI CHIM YẾN CÓ PHẢI LÀ NGHỀ?

Cơ duyên là câu cửa miệng của những gia đình đã dấn thân vào nghề nuôi chim yến. Có những gia đình sau khi đưa vào hoạt động chừng vài tháng đã có chim yến bầy đàn kéo về làm tổ. Thế nhưng cũng không ít nhà yến sau 5, 6 năm đưa vào hoạt động chim vẫn không về trú ngụ. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chim yến không rủ nhau về thì có nhiều, nhưng căn bản nhất là độ ẩm, độ thông thoáng, âm thanh dẫn dụ và môi trường xung quanh nhà yến.

Xã Nha Bích, huyện Chơn Thành có 100 nhà yến thuộc 28 hộ nuôi khác nhau

Ông Đắc cho biết, nếu nhà yến xây dựng trong các lô cao su hay ở những nơi rậm rạp thì rất khó dẫn dụ chim về. Đơn giản là chim yến thích nơi thoáng mát, không sợ phố thị nhưng lại rất sợ chuột, tắc kè, chim cắt và cú mèo. Để tránh các loài thiên địch này, chim yến thường chọn những nơi thoáng mát để làm tổ. Điều này lý giải tại sao các nhà yến xây dựng ở những nơi thoáng mát ngay cả trong khu đô thị cũng dễ dàng thu hút được chim yến. Độ ẩm đủ để chim sinh sản, độ thông thoáng đủ để chim bay lượn và âm thanh dẫn dụ cũng là một trong những yếu tố quyết định thành bại của việc nuôi chim yến. Trong điều kiện công nghệ phát triển như hiện nay, việc điều chỉnh ẩm độ hay nhiệt độ ai cũng có thể làm được. Thế nhưng hệ thống âm thanh dẫn dụ là khâu cực kỳ quan trọng không phải ai cũng làm được. Ông Đinh Hồng Ảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nha Bích cho biết: Có những thời điểm mỗi bản nhạc dẫn dụ chim yến đến tay người nuôi lên đến 1,5 triệu đồng. Đặc biệt những bản nhạc này lại không sao chép được nên nhiều nông hộ chấp nhận mua giá cao để đầu tư nuôi chim yến.

Trong chăn nuôi, không có loài vật nào mà người nuôi không phải tốn tiền thức ăn như nghề nuôi chim yến. Nuôi nhưng lại không nuôi. Nuôi chim không phải lấy thịt hay lấy trứng mà là lấy tổ. Chim yến tự tìm kiếm thức ăn trong tự nhiên trong vòng bán kính hơn 200km, người nuôi không phải tốn công cho ăn cũng không tốn chi phí thuốc thú y để phòng trừ dịch bệnh. Thế nhưng nguồn thu từ nghề nuôi chim yến hiện nay lại cao nhất, nhàn nhã nhất trong tất cả nghề chăn nuôi hiện nay.

Ông THÂN VĂN ĐẮC khẳng định.  

Nghề nuôi chim yến không dành cho hộ nghèo cũng không dành cho những hộ cận nghèo. Bởi vốn đầu tư cho mỗi nhà yến hiện nay ít nhất phải từ 500-800 triệu đồng. Những nhà yến gặp thuận lợi thì sau 3 năm có thể cho thu nhập nhờ lấy tổ, nếu gặp trường hợp bất lợi thì phải kéo dài đến 5 hoặc 6 năm. Do vậy lãi suất sẽ là gánh nặng cho những gia đình vay vốn ngân hàng để đầu tư. Không chỉ vốn gây khó cho nghề nuôi chim yến mà ngay cả lòng nhẫn nại, tính kiên trì và sự nhạy cảm của con người cũng là thách thức đối với chim yến.

“Đặc tính của chim yến là thích sống bầy đàn và rất nhạy cảm với âm thanh lẫn môi trường sống. Từ đặc tính này dẫn đến hệ thống âm thanh dẫn dụ phải đủ tinh tế để cuốn hút bạn tình và êm ái như lời ru cho chim non chìm vào giấc ngủ. Âm thanh dẫn dụ quyết định thành bại của nghề nuôi chim yến chiếm 50% trở lên. Nếu người nuôi không đủ nhạy cảm để kịp thời điều chỉnh âm thanh cho phù hợp với đặc tính từng thời kỳ của chim yến thì sẽ là bài toán khó cho việc nhân đàn trong quá trình nuôi” – chủ nhà nuôi yến Nguyễn Đình Quốc ở xã Nha Bích chia sẻ.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : nhà nuôi yếnnuôi yếnnuôi yến kinh tế

Các tin liên quan đến bài viết