Ở cả 3 môn thi, Thanh Lam cho rằng, các sĩ tử nên tận dụng khoảng thời gian đầu để ghi lại những điều bản thân cảm thấy quan trọng, bởi đây cũng là lúc đầu óc được minh mẫn nhất.

Nguyễn Thị Thanh Lam – thủ khoa thi vào lớp 10 của Hà Nội năm 2019, hiện đang là học sinh Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy).

Chia sẻ chiến thuật làm bài trong phòng thi để đạt kết quả cao nhất, theo Thanh Lam, dù với bất kỳ môn nào, khi bắt đầu làm bài, thí sinh nên tận dụng khoảng thời gian đầu tiên để ghi lại những điều quan trọng, bởi đây cũng là lúc đầu óc được minh mẫn nhất.

Nguyễn Thị Thanh Lam – thủ khoa thi vào lớp 10 của Hà Nội năm 2019

Đối với môn Ngữ văn, cách để dễ “ăn điểm” nhất là phải trình bày rõ ràng, giúp người chấm dễ dàng nhận thấy luận điểm, luận cứ. Trong phần đọc hiểu, đa số các câu hỏi đều xoay quanh kiến thức chung như tác giả, tác phẩm, biện pháp nghệ thuật… Theo Lam, đây đều là những nội dung kiến thức cơ bản nên thí sinh không được để nhầm lẫn, sai sót.

Đối với phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học, việc đầu tiên thí sinh cần làm là phải gạch chân các từ khóa quan trọng và câu lệnh để xác định được vấn đề cần nghị luận. Một điều không nên xem nhẹ là cần lập tức viết ra dàn ý sơ lược để có cái nhìn tổng thể về bài, tránh mải miết viết một phần nào đó gây lan man, xa rời vấn đề nhưng vẫn thiếu ý.

Phần “ăn điểm” nhất của nghị luận xã hội chính là dẫn chứng, phản đề và liên hệ bản thân. Theo Lam, thí sinh cần phải khéo léo đưa được quan điểm của bản thân vào. Điều này vừa tạo ra chất riêng cho bài làm, vừa giúp những lập luận trở nên thuyết phục và thể hiện khả năng tư duy của người viết.

Bên cạnh đó, dẫn chứng lựa chọn cũng phải thuyết phục, không nên đưa dẫn chứng trong các tác phẩm văn học vào và cần thiết phải phân tích dẫn chứng thay vì trích dẫn suông.

“Đây vốn là phần tích lũy riêng của mỗi người thông qua đọc báo, nghe tin tức thời sự. Do vậy, cần phải biết chọn lọc các vấn đề bên ngoài cuộc sống để đưa vào bài sao cho phù hợp với vẫn đề cần nghị luận. Ngoài ra, phần liên hệ bản thân cũng cần nêu được suy nghĩ một cách thuyết phục, tránh viết sáo rỗng hay hô hào”, Lam nói.

Tương tự, đối với phần nghị luận văn học, Lam cũng cho rằng thí sinh cần phải xác định đúng vấn đề cần nghị luận, sau đó triển khai thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng. Để đạt điểm cao, bài làm cũng cần phải có cấu trúc rõ ràng, mạch lạc, giúp người chấm không cần phải đi tìm ý, mò ý.

Lam hiện đang là học sinh Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy).

Đối với môn Toán, ngay khi nhận được đề thi, theo Lam, thí sinh nên nhìn một lượt để xác định cách giải của các câu hỏi dễ “ăn chắc điểm”.

Những câu hỏi này cần phải làm thật chắc chắn, làm tới đâu chắc tới đó và thử lại bằng máy tính luôn để không bị cuống những lúc cuối giờ. Khi chắc chắn làm đúng hết những câu hỏi dễ, thí sinh mới bắt đầu chuyển làm câu khó. Đây là điều theo Lam rất quan trọng, bởi như vậy sẽ tránh được tình trạng làm xong cả bài mới phát hiện ra lỗi sai. Điều này sẽ gây mất thời gian và ảnh hưởng không tốt đến tâm lý làm bài.

Nữ thủ khoa cũng cho rằng, với các bạn học lực khá, nên tập trung làm chắc 6 – 8 điểm đầu và kiểm tra thật cẩn thận, không nên “tham bát, bỏ mâm”. Đối với các bạn học lực giỏi, khi chắc chắn phần dễ rồi mới nên làm những câu khó.

“Ví dụ, với câu 4c – vốn là câu hỏi phân hóa, thí sinh nên đi từ kiến thức cơ bản của hình học như vận dụng quan hệ song song, vuông góc để vẽ thêm hình, từ đó có thể giải quyết được vấn đề. Việc nháp thật nhiều, vẽ thêm thật nhiều để tìm ra phương án xử lý có thể sẽ mất thời gian, thậm chí đôi khi không ra kết quả như ý. Do vậy, thí sinh không nên quá sa đà vào những câu hỏi khó”.

Một điều quan trọng khác để đạt điểm cao môn Toán, theo Lam, ở trong phòng thi, thí sinh nên rà soát thật kỹ lại những lỗi sai nhỏ nhặt mà mình từng mắc khi luyện đề, tránh những lỗi lặt vặt gây mất điểm như chép sai đề, thiếu điều kiện,…

Tương tự, với môn Tiếng Anh, Lam cho rằng, thí sinh cũng nên đọc lướt một lượt đề thi và bắt đầu với những dạng vốn là thế mạnh, không nhất thiết phải làm lần lượt theo thứ tự trong đề.

Khi gặp phải những câu khó, thí sinh nên đánh dấu lại để có thể quay trở lại làm sau, tránh việc tập trung quá nhiều thời gian vào một câu hoặc một phần nào đó mà không đủ thời gian cho những phần khác. Sẽ rất đáng tiếc nếu chỉ tập trung vào 1 – 2 câu hỏi khó mà bỏ lỡ những câu “ăn điểm” phía sau.

Những câu khó thí sinh có thể cân nhắc đến gần những phút cuối, tuy nhiên thí sinh cần hoàn thành bài thi của mình để có cơ hội ghi điểm, không nên để trống bất kỳ câu trả lời nào.

Ngoài chiến lược làm bài, nữ thủ khoa cũng cho rằng, tâm lý vững vàng đóng vai trò then chốt quyết định đến kết quả thi cử. Việc bình tĩnh, tự tin sẽ giúp cho thí ssinh luôn ở thế chủ động để có thể vượt qua những lo lắng, căng thẳng, trở nên minh mẫn hơn khi xử lý yêu cầu của đề và những vấn đề liên quan.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : thi vào lớp 10

Các tin liên quan đến bài viết