Chiến sự ở Ukraine bước sang năm 2023 đầy chết chóc khi Nga gia tăng không kích khắp Ukraine nhưng cũng chịu tổn thất không nhỏ từ các đòn đáp trả của Kiev. Đến nay, các tín hiệu cho thấy cuộc chiến có thể đổi chiều trong năm nay.
Nguồn
Ngày 2-1 Nga xác nhận 63 binh sĩ nước này thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào đêm cuối năm tại một căn cứ ở thành phố thuộc vùng Donetsk, dù phía Kiev nói con số lên đến “hàng trăm”. Cuộc tấn công diễn ra khi chiến sự đang căng thẳng hơn, các lãnh đạo Ukraine và Nga đều nhấn mạnh thông điệp sẽ tiếp tục chiến đấu và giành chiến thắng. Hy vọng về đàm phán hòa bình trong tương lai gần vẫn rất mờ mịt.
Cuộc chiến ở Ukraine kéo dài
Căng thẳng thể hiện trong bài phát biểu đầu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thay vì phát biểu tại Điện Kremlin như mọi năm, ông Putin tới một căn cứ quân sự, động viên các binh sĩ rằng họ đang chiến đấu vì “hòa bình và đảm bảo an ninh cho nước Nga”, đồng thời cáo buộc phương Tây đang dùng Ukraine “để làm suy yếu và chia rẽ nước Nga”.
Còn tại Ukraine, trong lúc các thành phố đón năm mới với tiếng còi báo động và tiếng nổ, Tổng thống Volodymyr Zelensky gieo hy vọng về một chiến thắng trong năm 2023. “Hãy để năm nay là năm của sự trở lại. Sự trở lại của người dân chúng ta. Những người lính trở về với gia đình. Tù nhân được về nhà. Người di cư về Ukraine. Lãnh thổ trả về cho chúng ta”, ông Zelensky nói.
Tuy nhiên nhà lãnh đạo Ukraine cũng dẫn các thông tin tình báo cho rằng Nga sẽ tăng cường các đợt không kích bằng máy bay không người lái (drone) nhằm làm Kiev “kiệt quệ”. “Chúng tôi có thông tin rằng Nga đang lên kế hoạch tấn công lâu dài bằng drone Shahed”, ông Zelensky nói, và đề cập đến tên loại drone được cho là do Iran sản xuất.
Hơn 10 tháng kể từ khi chiến sự nổ ra, Ukraine đã xoay chuyển được tình hình trên mặt đất, giành lại nhiều phần lãnh thổ ở miền đông và nam, nhưng hầu như không thể ngăn được các cuộc tấn công trên không của Nga.
Dù vậy, các vũ khí mà phương Tây cung cấp cho Ukraine, gồm hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và sắp tới là Patriot, có thể làm thay đổi tình hình. Trong đợt tấn công đêm cuối năm gây tổn thất nặng nhất cho Nga kể từ đầu cuộc chiến đến nay, dù quan chức thân Nga tại Cộng hòa Donetsk nói đã có những “sai lầm”, nhưng có lẽ hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp đã giúp Ukraine chọc sâu vào hàng phòng thủ của Nga.
Những nhân tố quyết định
Đến nay, việc dự báo tương lai của cuộc chiến tại Ukraine vẫn gần như không thể, tuy nhiên giới phân tích cho rằng có nhiều yếu tố sẽ mang tính quyết định. Quan trọng nhất là việc rót thêm vũ khí cho Ukraine mà theo phương Tây sẽ tạo lợi thế cho Kiev trên bàn đàm phán.
“Có dấu hiệu Matxcơva đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mới. Ngay cả khi một thế bế tắc nhức nhối có thể sẽ có lợi cho ông Putin”, tờ Financial Times bình luận.
Đối với Ukraine, việc Nga đẩy sang biên giới hàng chục ngàn binh sĩ trong đợt huy động cuối năm ngoái, hoặc có thể huy động thêm trong năm nay, sẽ là một thách thức trong năm 2023. Nga cũng có ưu thế hơn về xe tăng, tên lửa so với nước láng giềng. Trong khi đó, dù đẩy mạnh hỗ trợ Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây vẫn ngần ngại việc làm leo thang cuộc chiến.
Đài CBC News dẫn lời trung tướng đã về hưu Ben Hodges của Mỹ nhận định khả năng NATO bị lôi vào xung đột là rất thấp. Ông Hodges cũng không cho rằng Nga sẽ giành chiến thắng áp đảo khi mà chiến dịch quân sự của nước này đang cho thấy sự rời rạc thời gian qua.
Theo giới phân tích, cuộc chiến ở Ukraine kéo dài có thể gây chia rẽ giữa Kiev và các nhà tài trợ phương Tây. Đến nay điều đó vẫn chưa xảy ra và ông Zelensky mới đây cho biết ông hy vọng ngay trong tháng 1-2023 sẽ nhận được phần đầu tiên trong gói hỗ trợ mới của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 18 tỉ euro (19 tỉ USD) đã được thống nhất tháng trước. Ngày 3-2, Ukraine và EU cũng sẽ tổ chức họp thượng đỉnh ở Kiev để thảo luận về hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.
Nguồn: tuoitre.vn