Ngày 24-2-2023 đánh dấu tròn một năm sự kiện Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Một người mẹ dẫn hai con rời khỏi khu nhà bị tên lửa đánh sập ở ngoại ô Kiev, Ukraine ngày 26-1-2023
Chưa nhiều tín hiệu cho thấy cuộc chiến sớm chấm dứt, cũng chưa biết Nga hay Ukraine sẽ hài lòng với thắng lợi, nhưng những người “thua cuộc” đã lộ diện.
Cuộc giao tranh trên đất Ukraine đã khoét sâu khác biệt giữa các bên, thúc đẩy căng thẳng địa chính trị và chạy đua vũ trang giữa lúc kinh tế toàn cầu còn ảm đạm.
Lo thế giới phân cực trở lại
Trước khi Nga đưa quân vào Ukraine (ngày 24-2-2022), kinh tế thế giới đã gặp rất nhiều sóng gió vì đại dịch COVID-19 và các nguyên nhân khác. Chiến tranh khiến kinh tế của cả Nga lẫn Ukraine đều điêu đứng và cũng là nguyên nhân khiến kinh tế thế giới khó khăn hơn, đặc biệt ở các lĩnh vực thế mạnh của hai nước này là năng lượng và lương thực.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Nga chiếm 14% tổng cung ứng dầu cho thế giới năm 2021. Đây là nguyên nhân chính tạo ra cuộc khủng hoảng lạm phát và giá năng lượng ở châu Âu và nhiều nơi. Nga và Ukraine cộng lại cũng chiếm 30% sản lượng lúa mì toàn cầu. Phần lớn số này xuất khẩu tới châu Phi, châu Á và một phần Trung Đông.
Nó cũng phản ánh thực tế tác động từ cuộc chiến này không chỉ được cảm nhận ở châu Âu. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, các nước đã gồng gánh lạm phát như Zimbabwe, Venezuela, Lebanon hay Argentina đều đứng đầu về ảnh hưởng lạm phát giá lương thực với các chỉ số lần lượt là 285%, 158%, 143% và 95%.
Trong thời kỳ toàn cầu hóa, khủng hoảng kinh tế càng khó xử lý hơn vì căng thẳng địa chính trị. Cuộc chiến Ukraine khiến quan hệ giữa Nga và phương Tây được đánh giá là căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Phương Tây đã tẩy chay “yếu tố” Nga trong hầu hết các lĩnh vực, từ các biện pháp trừng phạt kinh tế, cấm vận động viên Nga thi đấu các giải quốc tế, cho tới chuyện không dạy văn học Nga ở một số trường đại học.
Đỉnh điểm đáng lo nhất của quan hệ thù địch này là khả năng chạy đua vũ trang và sử dụng vũ khí hạt nhân. Nga đã tuyên bố dừng tham gia hiệp ước New START, thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại giữa Matxcơva và Washington.
Cuộc chiến Ukraine cũng sẽ định hình cục diện quốc tế trong tương lai. Trung Quốc, vốn có mối quan hệ không êm ả với Mỹ, đã có những biểu hiện xích lại Nga. Bản thân Nga cũng tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong những khác biệt giữa Bắc Kinh và phương Tây như tình hình Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương… Tất cả tạo ra mối lo về việc thế giới trở lại phân cực gay gắt đúng vào thời điểm mà toàn cầu hóa dường như lên ngôi.
Ngày 15-2-2023, một người phụ nữ đi qua khu nhà bị hủy hoại ở Mariupol (Ukraine) hiện do lực lượng Nga kiểm soát
Lựa chọn của con người
Sau một năm, tình hình Ukraine đã trở thành cuộc chiến lớn và cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở châu Âu từ khi bước vào thế kỷ 21. Xung đột Nga – Ukraine như một phiên bản mô phỏng đầy đủ cho những gì sẽ xảy ra trong một cuộc chiến tranh thời hiện đại. Nó đã “tự giới thiệu” mức độ khủng hoảng gây ra, và đặt các nước vào sự lựa chọn.
Lựa chọn thứ nhất là tiếp tục “chiến” hay “hòa”. Nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin cần sự ủng hộ lớn về mặt chính trị để tiếp tục chiến dịch thì điều tương tự cũng diễn ra ở Ukraine và phương Tây.
Các nước phương Tây đã viện trợ tài lực cho Ukraine, cam kết sẽ sát cánh “cho đến khi nào còn cần thiết”, nhưng cam kết này dĩ nhiên cũng sẽ có thời hạn theo một cách nào đó. Khủng hoảng kinh tế đã khiến tình hình chính trị – xã hội nội bộ của các nước phương Tây phức tạp hơn.
Tại Anh, tháng 10-2022 ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng tăng 11,1%, cao nhất trong 40 năm qua. Người Anh đã thay ba thủ tướng trong năm 2022 như một cái giá phải trả. Tại Pháp, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua, theo một khảo sát từ ngày 9 tới 16-2.
Châu Âu, dù nhấn mạnh ủng hộ Ukraine, cũng sẽ phải lựa chọn tiếp tục “đứng về lẽ phải” hay cần thúc đẩy đàm phán hòa bình càng nhanh càng tốt. Tất nhiên nếu thời gian không đứng về phương Tây, họ phải chấp nhận một số nhượng bộ.
Lựa chọn thứ hai thuộc về các điểm nóng xung đột khác. Phản ứng của cộng đồng quốc tế, các lệnh trừng phạt và tổn thất về kinh tế, chính trị, xã hội… nhìn từ cuộc xung đột ở Ukraine là bài học cho những quốc gia có khuynh hướng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề.
Nói cách khác, “phiên bản mô phỏng” mang tên Nga – Ukraine là một sự kiện lịch sử của thế kỷ này. Nó sẽ góp phần định hình trật tự trong tương lai và mang tới sự cân nhắc nhất định cho các quyết sách chính trị và an ninh.
Quân đội Ukraine phóng rocket vào các mục tiêu Nga tại Bakhmut, vùng Donetsk, miền đông Ukraine
Các mốc chính trong một năm chiến sự
24-2: Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” từ phía bắc, đông và nam Ukraine.
2-3: Nga tuyên bố kiểm soát thành phố miền nam Kherson.
13-4: Tàu Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga, bị trúng tên lửa Ukraine và chìm vào hôm sau.
16-5: Những người Ukraine bảo vệ Nhà máy thép Azovstal ở TP Mariupol đầu hàng Nga.
22-7: Qua sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc, Nga và Ukraine đạt thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc tại Biển Đen.
6-9: Quân đội Ukraine mở cuộc phản công bất ngờ ở đông bắc Kharkov.
21-9: Tổng thống Putin ra lệnh huy động 300.000 quân dự bị.
30-9: Tổng thống Putin ký văn bản sáp nhập vào Nga bốn khu vực của Ukraine.
9-11: Nga tuyên bố rút khỏi TP Kherson trước sự phản công của Ukraine.
21-12: Tổng thống Ukraine thăm Mỹ, chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi xung đột xảy ra.
12-1-2023: Nga tuyên bố chiếm được thị trấn Soledar.
Nguồn: tuoitre.vn