EU sẽ tăng cường hoạt động ngoại giao trong các vấn đề liên quan tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, triển khai nhiều nhân sự hơn và đẩy mạnh đầu tư vào khu vực, cũng như có thể tăng cường sự hiện diện an ninh lớn hơn.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU có gì hữu ích? - Ảnh 1.

Nhiều quốc gia đã thể hiện quan điểm rõ cùng một số hành động để yêu cầu đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và tránh thái độ bắt nạt kiểu nước lớn 

“ASEAN sẽ là trọng tâm của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU”. Đó là tựa bài viết đăng trên báo The Straits Times ngày 12-5. Hai tác giả Vincent Piket – đại sứ EU tại Indonesia và Brunei và Igor Driesmans – đại sứ EU ở ASEAN, cho rằng khi EU thống nhất được chiến lược chung với khu vực này thì đó là những tin tức tốt lành cho ASEAN.

Theo đó, chiến lược này đánh dấu bước tiến lớn của châu Âu trong sự can dự ngày càng sâu hơn vào khu vực đang trở thành trung tâm kinh tế và chiến lược của thế giới ngày nay.

Trước đó, vào ngày 19-4, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch tăng cường sự hiện hiện tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

EU đồng thanh

Trong tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến, ngoại trưởng các nước thành viên nêu rõ EU đã cân nhắc “nên củng cố trọng tâm chiến lược, sự hiện diện và các hành động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương… trên cơ sở phát huy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và luật pháp quốc tế”. Các nhà ngoại giao khẳng định kế hoạch này không nhằm “chống Trung Quốc”.

Tuyên bố cũng cho biết các ngoại trưởng đã nhất trí sẽ nỗ lực hợp tác với “những đối tác cùng chung chí hướng” nhằm duy trì các quyền cơ bản trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Kế hoạch này có thể đồng nghĩa với việc EU sẽ tăng cường hoạt động ngoại giao trong các vấn đề liên quan tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, triển khai nhiều nhân sự hơn và đẩy mạnh đầu tư vào khu vực, cũng như có thể tăng cường sự hiện diện an ninh lớn hơn.

Tuyên bố nêu rõ: “EU sẽ phát triển hơn nữa các mối quan hệ đối tác và củng cố sự đồng lòng với các đối tác chung chí hướng cùng các tổ chức liên quan trong vấn đề an ninh và quốc phòng. Điều này sẽ bao gồm việc ứng phó với những thách thức đối với an ninh quốc tế, trong đó có cả an ninh hàng hải”.

Dự kiến, EU sẽ công bố chiến lược chi tiết hơn vào tháng 9 tới.

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trên bản đồ chính trị thế giới, khiến không chỉ Mỹ mà ngay cả EU cũng cần đưa ra cách tiếp cận mới cho mình.

Nhiều nước lớn trong EU đã thể hiện sự quan tâm tới khu vực này khi Pháp, Đức và Hà Lan là những nước tiên phong trong nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Ấn Độ, Nhật Bản và Úc.

Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của EU có gì hữu ích? - Ảnh 2.

Tàu khu trục Mỹ USS The Sullivans sẽ gia nhập nhóm tác chiến tàu sân bay của Anh do HMS Queen Elizabeth dẫn đầu trong chuyến thăm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore vào tháng 5-2021 

Anh cũng “xoay trục”

Không chỉ có các nước trong EU, ngày 16-3 vừa qua, Anh, quốc gia đã rời EU, cũng công bố những thay đổi chiến lược quan trọng, trong đó tuyên bố “xoay trục” về “trung tâm địa chính trị” mới của thế giới là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thể hiện sự quan tâm ngày một lớn tới khu vực này.

Sách lược mới, dựa trên các đánh giá lớn nhất về chính sách quốc phòng và đối ngoại của London trong 30 năm qua, thể hiện quan điểm của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson về một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và hợp tác, tự do thương mại.

Theo một số nhà bình luận, việc châu Âu ngày càng quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không chỉ đơn giản là vấn đề thể hiện vị thế hay sự khao khát những năm tháng hoàng kim đã qua của đế chế châu Âu.

Nếu có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt các bình luận của Pháp, Đức và Anh về vấn đề này, thì đó chính là Trung Quốc, cụ thể là việc Trung Quốc phô trương sức mạnh nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với phần lớn Biển Đông, thách thức luật pháp quốc tế.

Tuy sức mạnh quân sự của các nước châu Âu không bằng Mỹ, song cũng không nên hoàn toàn gạt họ ra khỏi nỗ lực đối đầu với Trung Quốc. Họ có thể đóng góp nhiều tài sản chiến lược khác nhau.

Sức mạnh pháp quyền từ châu Âu

Chuyên gia Richard Javad Heydarian cho rằng việc châu Âu tham gia các vấn đề an ninh của châu Á khiến Trung Quốc khó có thể thúc đẩy lập luận rằng các tranh chấp trên biển trong khu vực chỉ là vấn đề song phương giữa nước này và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đối địch, và các bên tham gia ngoài khu vực nên đứng ngoài.

Những gì bộ ba của châu Âu gồm Pháp, Đức và Anh đã làm là kiềm chế Trung Quốc bằng cách nhắc lại tầm quan trọng trên hết của pháp quyền.

Hành động can dự vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của các cường quốc châu Âu có thể có tác động lớn hơn nếu chúng giúp củng cố sức mạnh cho các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực vốn đang tìm cách kiềm chế những hành động nguy hiểm của Trung Quốc. Hoạt động này có thể diễn ra dưới hai hình thức quan trọng và không tốn nhiều chi phí.

Chẳng hạn châu Âu có thể giúp nâng cao nhận thức lĩnh vực biển ở mức cơ bản và năng lực của các lực lượng bảo vệ bờ biển ở các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa như Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Các nước này đang phải vật lộn khi đối đầu với đội tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc hoạt động trên khắp biển Nam Trung Hoa. Phương thức này sẽ cho phép các quốc gia trong khu vực ngăn chặn hành vi xâm phạm của Trung Quốc mà không dẫn tới xung đột vũ trang và leo thang căng thẳng không mong muốn.

Các thỏa thuận chiến lược gần đây giữa EU và Việt Nam, cụ thể là Hiệp định khung về việc tham gia các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (FPA) tạo điều kiện cho hợp tác quốc phòng chặt chẽ, sẽ là bàn đạp cho hợp tác an ninh hàng hải sâu rộng hơn.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Ấn Độ DươngAn ninh hàng hảiASEANLiên minh châu ÂuThái Bình Dương

Các tin liên quan đến bài viết