Công trình nghiên cứu này từng làm ngỡ ngàng nhiều người bởi tính “thực dụng” quá mức đến độ nhẫn tâm của nó. Không ai được biết kết quả đích thực nhưng sự đau khổ đã rơi vào ba anh em trai bị chia cắt từ mới lọt lòng.

Chia cắt ba anh em ruột để nghiên cứu: một công trình đầy nhẫn tâm - Ảnh 1.

Ba anh em sinh ba David Kellman, Eddy Galland và Bobby Shafran trong ngày gặp lại lần đầu tiên sau 20 năm bị chia tách từ lúc mới lọt lòng và không hề biết là mình có anh em 

Năm 1980, chàng thanh niên “Bobby” Shafran, 19 tuổi, nhập học tại đại học hạt Sullivan, bang New York, Mỹ, thì mọi người đều trông thấy anh “quen quen” và liền gọi anh là “Eddy”, là tên thân mật của một sinh viên khác đã ra trường trước đó một năm.

Một sự nhầm lẫn có… lý do!

Một thời gian sau, ai nấy trong trường đều kháo nhau rằng chàng tân sinh viên “Bobby” Shafran này hẳn phải là anh em song sinh của cựu sinh viên Edward Galland vì họ giống nhau như hai giọt nước, nhưng “Bobby” phủ nhận chuyện đó.

Thế rồi, một ngày nọ, hai người giống nhau như đúc đó đã có dịp gặp nhau, và trông vẻ bên ngoài đúng là anh em sinh đôi rồi vì tầm thước ngang nhau, mái tóc cũng xoăn, nụ cười và đôi bàn tay cũng y hệt nhau, đặc biệt là, họ có cùng một ngày tháng năm sinh: 12-7-1961.

Sự kiện là này đã được nhật báo “New York Post” đưa tin và ngay sau đó lại có thêm nhân vật khác là một sinh viên năm nhất của Queens College “vào cuộc”.

Sinh viên này đã gọi điện đến tòa soạn để tự nhận mình cũng “giống y chang” hai người trong bức ảnh đăng tải của báo.

Thế là sau rốt, họ chính là ba anh em ruột ra đời trong một ca sinh ba vào thập niên 1960 nhưng lại mang ba tên họ khác nhau và không gặp được nhau suốt gần 20 năm kể từ ngày ra đời!

Chia cắt ba anh em ruột để nghiên cứu: một công trình đầy nhẫn tâm - Ảnh 2.

Một trang tin về câu chuyện kỳ lạ này đăng tải vào năm 1988 trên nhật báo “Prince George Citizen” của Canada

Ý tưởng nghiên cứu khoa học vô tiền khoáng hậu…

Những người anh em sinh ba đó từng bị tách riêng ra khỏi cha mẹ đẻ ngay tại phòng sinh và được giao cho ba gia đình khác nhau nhận làm con nuôi.

Ba đứa trẻ còn đỏ hỏn đó đã được theo dõi tâm sinh lý chặt chẽ cho một công trình nghiên cứu y học về đặc tính bẩm sinh của những trẻ sinh cùng trứng và những phát triển khác biệt của trẻ trong giai đoạn trưởng thành trong môi trường nuôi dưỡng và giáo dục khác nhau.

Ý tưởng nghiên cứu táo bạo và gây tranh cãi này được thai nghén từ năm 1953 với tác giả là một bác sĩ tâm thần người Mỹ tên là Peter Neubauer.

Nó táo bạo ở chỗ, từ trước đến giờ những đề tài nghiên cứu thuộc dạng này chỉ được thực hiện theo phương pháp hồi quy mà thôi, tức là nhìn lại vấn đề, chứ chưa nhà khoa học nào mạnh dạn nghĩ đến việc áp dụng phương pháp đối chiếu, tức so sánh dữ liệu trên những mẫu nghiên cứu sống trong thời gian thật để đưa ra kết quả.

Vậy nên phương pháp của bác sĩ Peter Neubauer đến nay vẫn là công trình duy nhất theo dạng này. Xét trên quan điểm khoa học, phương pháp này là “đẹp” và “hoàn hảo” do không thể làm sai lệch kết quả có được.

… nhưng về mặt đạo đức khó chấp nhận được

Theo ký ức mà ba người anh em sinh ba kia (nay họ đã 57 tuổi) thuật lại, khi còn nhỏ, đang là con nuôi trong ba gia đình khác nhau, thì họ thường xuyên thấy “ai đó” đến nhà để quay phim, chụp ảnh, trò chuyện rất lâu với cha mẹ nuôi, rồi thử nghiệm chỉ số thông minh IQ của đứa bé, v.v…

Trong năm đầu đời, các “chuyên gia” đến nhà định kỳ ba tháng một lần, rồi sau khi thôi nôi cho đến năm 3 tuổi thì họ đến sáu tháng một lần, và sau đó mỗi năm một lần.

Về phần mình, cả ba gia đình nhận con nuôi nói trên đều không hề biết lý do thật của những chuyến viếng thăm liên tục kia, vì họ chỉ được giải thích rằng các bác sĩ đến là để theo dõi sát sao quá trình phát triển của trẻ nhỏ mà thôi.

Được biết, người chủ trì công trình nghiên cứu là bác sĩ Peter Neubauer, đã qua đời năm 2008 và người con trai của ông là Alexander kể lại rằng thời điểm cha mình bắt tay vào “việc đó” thì ông còn rất nhỏ nên không có ý niệm gì cả về câu chuyện này.

“Cha tôi chạy trốn Đức Quốc Xã từ Áo sang Mỹ vào năm 1941, ông ấy quan tâm đến nghiên cứu về sự phát triển của trẻ nhỏ và sau này đã có thời gian làm việc chặt chẽ với bà Anna Freud (con gái của nhà phân tâm học Sigmund Freud) để phát triển lãnh vực này sâu rộng hơn”, ông Alexander nhớ lại.

Trong thập niên 1950, mảng nghiên cứu về tâm lý trẻ em còn rất mới mẻ nhưng bác sĩ Peter Neubauer khi đó đã nổi tiếng, ông đã thành lập nhiều tổ chức hội chăm sóc tâm lý trẻ em và vào thời điểm triển khai nghiên cứu trên trẻ song sinh nói trên, ông đang là giám đốc Trung tâm Phát triển trẻ em tại New York.

Ông Alexander kể lại rằng cha mình không trực tiếp nhúng tay vào việc chia tách cuộc sống của những trẻ song sinh dù đồng thuận với cách thức này. Ông Alexander cũng đồng thời lập luận cho rằng việc chia tách như thế dù hiện nay được xem là bất nhẫn đối với trẻ con song khi đánh giá thì phải xem xét đến bối cảnh lịch sử vào thời đó, khi mà quy chuẩn xã hội còn chưa bắt buộc phải có được cam kết đồng thuận rõ ràng từ những cá nhân được xác định là đối tượng để nghiên cứu khoa học.

Chia cắt ba anh em ruột để nghiên cứu: một công trình đầy nhẫn tâm - Ảnh 3.

Ảnh chụp hai anh em Robert “Bobby” Shafran và David Kellman vào ngày 19-1-2018 

Nhóm nghiên cứu không hề hối hận 

Khi công trình nghiên cứu được truyền thông đưa tin vào thập niên 1980, bác sĩ Peter Neubauer đã luôn né tránh các cuộc phỏng vấn, chắc chắn vì ông sợ rằng công chúng sẽ phản ứng tiêu cực đối với ông.

Hiện nay các kết quả nghiên cứu ra sao vẫn còn là một bí mật, chỉ biết rằng từ năm 1990, công trình này được bảo lưu tại Đại học Yale và sẽ bị “khóa” theo luật cho đến năm 2066.

Tại New York, cuộc đời của ba anh em sinh ba kia đã đi theo ba hướng khác nhau: David Kellman làm việc trong ngành bảo hiểm, Bobby Shafran trở thành luật sư, còn Eddy Galland thì đã tự vẫn chết vào năm 1995.

Mới đây, David Kellman đã phát biểu như sau: “Họ đã cướp mất 20 năm sống chung của anh em chúng tôi. Họ nói rằng chúng tôi là những thành viên tham gia nghiên cứu khoa học, nhưng chúng tôi không hề tự nguyện tham gia, chúng tôi chỉ là nạn nhân”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : anh em ruộtbác sĩ tâm thầnnghiên cứu khoa họcnhà khoa họctâm lý trẻ em

Các tin liên quan đến bài viết