Chính quyền Trung Quốc ngày 7/6 đã công bố Sách Trắng về dịch bệnh Covid-19. Vậy tài liệu này có chứa những nội dung gì?
Tài liệu có tiêu đề “Chống dịch Covid-19: Hành động của Trung Quốc” được công bố nhằm điểm lại quá trình, cách thức phòng chống dịch cũng như điều trị bệnh nhân nhiễm virus Sars-CoV-2 của ‘quốc gia tỷ dân’.
Hơn 94% bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh
China Daily trích nội dung cuốn sách cho biết, Trung Quốc đại lục tính tới cuối tháng 5/2020 đã ghi nhận tổng cộng 83.017 ca nhiễm Sars-CoV-2. Trong đó có 78.307 ca khỏi bệnh và 4.634 trường hợp tử vong, tỷ lệ khỏi bệnh tại ‘quốc gia tỷ dân’ đạt 94,3%.
Sách Trắng Covid-19 được công bố hôm 7/6. |
Những trung tâm điều trị tạm thời là giải pháp sáng tạo lớn
Sách Trắng khẳng định các trung tâm điều trị tạm thời, hay còn được biết tới với tên gọi bệnh viện dã chiến là nhân tố giúp giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng dân cư.
Cụ thể, chính quyền thành phố Vũ Hán đã chuyển đổi mục đích sử dụng nhiều sân vận động và các trung tâm triển lãm thành 16 bệnh viện dã chiến, cung cấp hơn 14.000 giường bệnh và giúp các trường hợp nhiễm Covid-19 nhẹ được nhận được sự điều trị kịp thời, đồng thời ngăn những ca bệnh này biến chứng nặng hơn.
Y học cổ truyền được dùng điều trị cho 92% ca Covid-19
Các quy trình và pháp đồ điều trị theo y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) đã được phát triển trong toàn bộ quá trình theo dõi y tế, điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19 từ nhẹ tới nặng. Và những liệu pháp này được áp dụng trên toàn quốc.
Chẳng hạn như tại tỉnh Hồ Bắc, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, có tới 90% ca bệnh được điều trị bằng TCM đã phát huy hiệu quả trong quá trính chữa bệnh.
Chiến dịch hỗ trợ y tế lớn chưa từng có
Chính quyền Bắc Kinh đã thành lập chiến dịch hỗ trợ y tế lớn nhất từ trước tới nay nhằm tăng cường công tác chống dịch tại thành phố Vũ Hán và nhiều địa phương khác trong tỉnh Hồ Bắc.
Cụ thể trong khoảng thời gian từ ngày 24/1 tới 8/3, nước này đã điều động 346 đội công tác y tế, bao gồm khoảng 42.600 nhân viên y tế và 900 chuyên gia về sức khỏe cộng đồng tới tỉnh Hồ Bắc nhằm tham gia công tác chống dịch.
Ngoài ra, lực lượng vũ trang Trung Quốc cũng đã triển khai hơn 4.000 nhân viên quân y tham gia việc kiểm soát dịch bệnh. Không quân nước này đã tổ chức các chuyến bay chở thiết bị hỗ trợ y tế tới vùng dịch bệnh.
Nền tảng khoa học kỹ thuật
Sự phối hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học, ứng dụng lâm sàng và việc kiểm soát virus ở tuyến đầu chống dịch của các tập đoàn, trường đại học và nhiều viện nghiên cứu Trung Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác phòng dịch virus Sars-CoV-2.
Cụ thể, Trung Quốc đã khởi xướng 83 chương trình nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực như điều trị lâm sàng, các loại thuốc và vaccine mới, những kỹ thuật xét nghiệm cũng như tập hợp các nguồn lực nghiên cứu hàng đầu của nước này trong những chương trình trên.
Những nghiên cứu phát triển mang tính khoa học được tích hợp với điều trị lâm sàng cũng như kiểm soát dịch đã nêu bật việc sử dụng công nghệ mới như ‘Dữ liệu lớn’ bao gồm phân tích, thu thập, giám sát, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận dữ liệu. Đồng thời, công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng được ứng dụng trong công tác chữa bệnh.
Hàng triệu người tham gia công tác tình nguyện
China Daily trích nội dung Sách Trắng cho biết, đã có khoảng 4 triệu người tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch bệnh tại hơn 650.000 cộng đồng dân cư trên khắp Trung Quốc.
Nhiều người tình nguyện đã tham gia hoạt động phòng dịch như kiểm tra thân nhiệt cho người dân, theo dõi tình trạng sức khỏe người nghi nhiễm bệnh, phổ biến các chính sách phòng bệnh của chính phủ, phân phối thuốc và nhu yếu phẩm cho người dân cũng như tham gia công tác khử trùng tại các cộng đồng dân cư.
Nguồn: vietnamnet