Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết như trên khi trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Quốc hội làm việc tại Hội trường. (Ảnh: TH).

Chiều ngày 22/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Năm 2015 thực hiện nghị quyết của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp trong điều kiện tiếp tục phải điều chỉnh giảm thuế theo cam kết hội nhập khu vực và quốc tế; thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn; việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu phục hồi tăng trưởng kinh tế, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã góp phần tác động quan trọng đến kết quả thu, chi ngân sách năm 2015. Nhờ đó đã tăng chi đầu tư phát triển hợp lý, ưu tiên đối với nông nghiệp, nông thôn, các địa phương miền núi, Tây Nguyên, thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bổ sung kinh phí quốc phòng, an ninh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.Công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN có hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, công tác quản lý NSNN ở một số đơn vị, địa phương còn một số tồn tại hạn chế…

Bố trí vốn thiếu căn cứ hoặc không sát thực tế

Qua kết quả kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, báo cáo quyết toán thu, chi NSNN năm 2015 được tổng hợp đầy đủ từ báo cáo quyết toán ngân sách của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được HĐND phê chuẩn và báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách Trung ương (NSTW). Song còn tình trạng một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi Báo cáo quyết toán năm 2015 sau ngày 01/10/2016, Bộ Tài chính thẩm định quyết toán của một số đơn vị dự toán cấp I thuộc NSTW chậm thời gian so với quy định tại Nghị định số 60/2003/NĐ-CP.

Ngoài ra, qua kết quả kiểm toán tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 02 thành phố trực thuộc tỉnh, cho thấy công tác kế toán và quyết toán tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) địa phương còn hạn chế: Hạch toán một số khoản thu năm 2016 vào số thu năm 2015 là 345 tỷ đồng; hạch toán, điều tiết sai quy định; chưa thực hiện tất toán tài khoản của các dự án đã được phê duyệt quyết toán trong năm.

Đáng chú ý, công tác xây dựng, giao kế hoạch vốn (KHV) tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân khai chi tiết và phân bổ hết từ đầu năm; phân bổ vốn cho một số lĩnh vực thấp hơn hoặc vượt mức quy định; bố trí vốn cho một số dự án chưa đủ điều kiện,sai nội dung nguồn vốn đầu tư, vượt tổng mức đầu tư được duyệt, không tuân thủ thứ tự ưu tiên, bố trí vốn thiếu căn cứ hoặc không sát thực tế; bố trí vốn ứng trước sai quy định; không bố trí vốn để thu hồi vốn ứng trước đến hạn phải thu hồi; điều chỉnh, bổ sung KHV sau thời gian quy định …

Sai phạm, thất thoát, lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản diễn ra khá phổ biến

Trình bày báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) Nguyễn Đức Hải đánh giá bên cạnh kết quả đạt được, UBTCNS nhận thấy nổi lên một số vấn đề sau: Một số khoản thu không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự ổn định, vững chắc. Công tác quản lý thu thuế vẫn có mặt hạn chế, tính răn đe chưa đủ mạnh, tình trạng khai man, trốn thuế ở khu vực ngoài quốc doanh và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa được khắc phục triệt để; tình trạng nợ đọng thuế do ngành thuế quản lý vẫn còn lớn.Việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) chưa kịp thời, dẫn đến quyết toán chưa phản ánh chính xác số thu và bội chi NSNN.

Về chi ngân sách nhà nước, UBTCNS nhận thấy việc chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không  đạt dự toán.

Đáng lưu ý, sai phạm, thất thoát, lãng phí trong chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) vẫn xảy ra; nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn

Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán chi đầu tư phát triển năm 2015 là 308.853 tỷ đồng, tăng 37,3% so với dự toán. Trong đó quyết toán chi đầu tư phát triển ngân sách trung ương tăng 35,6%, ngân sách địa phương tăng 37,9%.

“UBTCNS nhận thấy, tình trạng sai phạm, thất thoát, lãng phí trong quản lý đầu tư XDCB vẫn diễn ra khá phổ biến và chưa được khắc phục hữu hiệu, sai phạm vẫn xảy ra ở hầu hết các dự án được kiểm toán và hầu hết các khâu của quá trình đầu tư.Đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính”, ông Hải kiến nghị.

Cùng với đó, công tác phân bổ, giao bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển chưa kịp thời, chưa bảo đảm đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật NSNN.

Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về niên độ ngân sách năm 2014 về xử lý tài chính đến 31/12/2016 là 15.794 tỷ đồng, đạt 75,6% tổng số kiến nghị; có 29 văn bản đã và đang được Chính phủ, các bộ ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung. UBTCNS  cho rằng đây là tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính cao nhất trong 3 năm gần đây. ”Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị có liên quan lưu ý cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của KTNN, đặc biệt là việc hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật không phù hợp, kịp thời khắc phục và hạn chế sai phạm trong thực thi pháp luật”, ông Hải nhấn mạnh.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2015 như sau:- Tổng số thu cân đối NSNN là 1.291.342 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2014 chuyển sang năm 2015, thu kết dư NSĐP năm 2014, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương (NSĐP)  và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN);- Tổng số chi cân đối NSNN là 1.502.189 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016);- Bội chi NSNN 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 52.288 tỷ đồng).

Nguồn bù đắp bội chi NSNN: vay trong nước là 195.900 tỷ đồng, vay ngoài nước là 67.235 tỷ đồng.

Nguồn dangcongsan.vn

Từ khóa : Bộ Tài Chínhchi thường xuyênQuốc hội

Các tin liên quan đến bài viết