Thời điểm này, các ngành, địa phương, đơn vị đang chạy đua với thời gian, gấp rút tổ chức sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2016 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Không dám nói là tất cả, nhưng có thể nói hầu hết các hội nghị tổng kết năm đều có chung một khuôn mẫu. Đó là sau màn giới thiệu thành phần dự họp, đồng chí thủ trưởng hoặc cấp phó cơ quan sẽ trình bày báo cáo. Rồi đến tham luận của các cá nhân, đơn vị điển hình; phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên và tiếp thu ý kiến của đơn vị. Tiếp đến là thủ trưởng cấp trên và thủ trưởng đơn vị khen thưởng các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhắm mắt lại cũng có thể hình dung ra được kịch bản đó. Thế nhưng ngoài “kịch bản chung” thì còn có một điểm rất giống nhau ở các hội nghị là các báo cáo thường được chuẩn bị khá công phu, thành tích rất chi tiết, được chứng minh bằng các số liệu cụ thể, nhưng phần tồn tại, hạn chế lại quá chung chung. Cụm từ “một số” được dùng quá nhiều, ví dụ như: Tinh thần tự phê bình và phê bình của “một số” cán bộ, đảng viên chưa cao; “một số” bộ phận chưa chủ động, sáng tạo nên hiệu quả công việc còn thấp; “một số” cán bộ, công chức chưa làm hết trách nhiệm của mình; “một số” đồng chí còn vi phạm nội quy, quy chế cơ quan; “một số” đảng viên quan hệ với cấp ủy nơi cư trú chưa tốt; “một số” lĩnh vực chưa được quan tâm đầu tư đúng mức…

Thiết nghĩ, mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị có đặc thù riêng. Ở mỗi phòng, ban, bộ phận của từng cơ quan, đơn vị lại có chức năng, nhiệm vụ khác nhau và mỗi cán bộ, công chức được giao một nhiệm vụ cụ thể. Vì thế, trách nhiệm và quyền lợi của từng người không thể giống nhau, cũng như chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận là hoàn toàn khác nhau. Bởi thế, khi đánh giá, nhận xét, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nên nhìn vào kết quả công việc cụ thể của từng người, từng bộ phận và cần nói rõ cá nhân, đơn vị nào, bộ phận nào yếu kém? Yếu kém ở điểm nào? Kết quả hoạt động chưa cao là do chủ quan hay khách quan, do yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ hay do ý thức tổ chức kỷ luật, do phẩm chất chính trị? Thậm chí là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống như tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã xác định… Từ việc trả lời những câu hỏi đó, thủ trưởng các đơn vị sẽ xác định rõ vấn đề còn tồn tại ở đơn vị mình thực chất là do yếu kém về năng lực quản lý của cán bộ hay do khuyết điểm, vi phạm? Nếu có khuyết điểm, vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào?

 Mục đích của việc tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết là để đánh giá, rút kinh nghiệm, chỉ ra thật rõ quá trình thực hiện nhiệm vụ đã và đang gặp phải khó khăn, trở ngại gì? Khắc phục những khó khăn đó bằng cách nào và lộ trình khắc phục ra sao? Nếu cứ đánh giá, nhận xét chung chung theo kiểu “một số” như vừa nêu thì sẽ không đụng chạm đến ai. Kết thúc hội nghị, ai cũng hồ hởi, vui vẻ cả. Thế nhưng những khuyết điểm, hạn chế thì vẫn còn nguyên đó. Rồi đến kỳ sơ kết, tổng kết sau, sau nữa lại sẽ được nhắc lại trong báo cáo, vì thực tế có ai biết mình, bộ phận mình yếu kém hay vi phạm gì đâu mà sửa. Bởi chỉ là “một số” thôi mà!

Thảo Linh

Từ khóa : chạy đuakhuyết điểmsai phạmsơ sàithành tíchtồn tạivi phạmxử lý

Các tin liên quan đến bài viết