Theo số liệu thống kê do Tổng cục Thống kê công bố, trong tháng 10.2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,41% so với tháng 9 và đã tăng 2,98% so với cùng kỳ năm 2016.
CPI của tháng 10.2017 tăng mạnh. Ảnh: PV
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 10.2017 tăng 0,41% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,25% so với tháng 12 năm trước đã đưa CPI bình quân của 10 tháng đầu năm 2017 tăng 3,71% so với cùng kỳ 2016.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá thì nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 2,14%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,63%; giao thông tăng 0,61%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31%; giáo dục tăng 0,19%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,17%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,12%…
Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân của chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 có mức tăng cao do ảnh hưởng của mưa bão và lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung cùng với nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng vào mùa cưới nên giá thực phẩm tươi sống ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,57%, thực phẩm tăng 0,37%.
Ngoài ra, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 5.10.2017 và ngày 20.10.2017 (giá xăng giảm 240 đồng/lít và giá dầu diesel giảm 30 đồng/lít) cũng đã tác động làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tháng 10 tăng 1,44% so với tháng trước.
Bên cạnh đó, từ 1.10.2017, giá gas trong nước được điều chỉnh tăng 28.000đ/bình 12 kg (tăng 7,94% so với tháng 9.2017), do giá gas thế giới tăng 87,5USD/tấn lên mức 577,5 USD/tấn…
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý như các dịch vụ y tế và giáo dục) trong tháng 10 đã tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 1,32% so với cùng kỳ; 10 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ tăng 1,44%. Qua đó, mức lạm phát bình quân của tháng 10 là 1,44% thấp hơn mức kế hoạch 1,6% – 1,8%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.
Điều này cũng phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.
MINH HẠNH
Nguồn: Báo Lao động
CÁC TIN TỨC CÙNG CHUYÊN MỤC
- VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm trong kỳ điều hành ngày 5-9
- Hàng loạt “ông chủ” doanh nghiệp bất động sản bất ngờ từ chức
- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về việc điều hành dự toán ngân sách nhà nước
- Gỗ Việt nắm cơ hội chinh phục mục tiêu 15,2 tỷ USD
- Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 9 tại LB Nga
- Toàn cảnh đường nghìn tỷ kết nối Long An với TP.HCM “chạy nước rút” về đích