Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo tổng hợp giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2017. Theo đó, có 840 dự án có thất thoát lãng phí. Việc thu hút đầu tư tư nhân cũng còn nhiều bất cập, nhất là trong các dự án giao thông.
840 dự án có thất thoát, lãng phí
Trong năm 2017, có hơn 51 nghìn dự án thực hiện đầu tư từ ngân sách, cao hơn năm 2016 và gần gấp đôi năm 2015, trong đó hơn 29 nghìn dự án khởi công mới.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2017 có hơn 1.600 dự án chậm tiến độ. Các nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời, do năng lực chủ đầu tư,…
Khi kiểm tra hơn 12,8 nghìn dự án, tổ chức đánh giá hơn 18,4 nghìn dự án, các cơ quan nhà nước phát hiện 225 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 22 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 284 dự án phải ngừng thực hiện, 840 dự án có thất thoát lãng phí.
Ảnh minh họa |
Các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.
Ngoài các dự án đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng điểm mặt tình hình quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư (PPP).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay có 41 cơ quan báo cáo số liệu về dự án PPP, tuy nhiên nhiều cơ quan có báo cáo nhưng số liệu không đầy đủ, thiếu thông tin về số dự án kiểm tra, đánh giá, số liệu về vốn đầu tư và cơ cấu nguồn vốn.
“Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước một số dự án đầu tư theo hình thức BOT nhiệt điện nhưng không có số liệu báo cáo”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.
Theo số liệu của 41 cơ quan, thì có 363 dự án PPP thực hiện các thủ tục đề xuất dự án, trong đó phần lớn do nhà đầu tư tự đề xuất (231 dự án), 132 dự án do cơ quan nhà nước đề xuất.
Năm 2017 có 60 dự án đầu tư theo hình thức PPP thực hiện đầu tư. Trong đó 52 dự án được kiểm tra, 18 dự án được đánh giá.
Tổng vốn đầu tư các dự án PPP theo kế hoạch trong năm là hơn 25,8 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, có tới hơn 20,4 nghìn tỷ đồng là vốn vay các ngân hàng thương mại, còn lại vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư chỉ là hơn 5,1 nghìn tỷ đồng.
Nâng cấp đường độc đạo, dân không có quyền lựa chọn
Đề cập khó khăn vướng mắc trong các dự án PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá một số quy định của pháp luật chưa thực sự phù hợp với thực tế.
BOT Cai Lậy gây bức xúc vì “đặt nhầm chỗ”. |
Các dự án BOT giao thông hiện nay chủ yếu do các nhà đầu tư trong nước thực hiện, chưa thu hút được đầu tư nước ngoài. Vị trí trạm thu phí, mức thu phí còn nhiều bất cập, thiếu minh bạch.
“Trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước về tính hiệu quả của dự án như mức lợi nhuận của nhà đầu tư, thời hạn nhà đầu tư được nhà nước nhượng quyền thu phí của người sử dụng dịch vụ, giá sử dụng công trình/dịch vụ công,… chưa rõ ràng. Năng lực giám sát về cơ chế thu phí còn yếu, thiếu minh bạch trong quá trình quản lý hợp đồng”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét.
Một số dự án BOT huy động nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư và các ngân hàng thương mại là các doanh nghiệp nhà nước (hoặc DN cổ phần hóa), chủ yếu là vốn tín dụng ngắn hạn nhưng lại được sử dụng cho vay đầu tư dài hạn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro an toàn hệ thống ngân hàng.
Việc lựa chọn, dự án đầu tư, thứ tự đầu tư các dự án chưa hợp lý. “Đa số các dự án tập trung trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo phương thức cải tạo nâng cấp tuyến đường độc đạo hiện hữu, nên chưa bảo đảm quyền lựa chọn của người tham gia giao thông”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý.
Việc thu hút nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hầu hết các dự án đều chỉ định thầu, nhưng nhiều nhà đầu tư nguồn lực hạn chế dẫn đến những vi phạm trong quá trình thực hiện, vận hành và khai thác công trình.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận đây là hình thức đầu tư mới, năng lực xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, năng lực triển khai thực hiện dự án đầu tư của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư cũng còn “rất nhiều hạn chế”.
Do đó, việc đầu tư theo hình thức PPP vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.
Nguồn: vietnamnet