Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) là một cơn bão thay đổi lớn về công nghệ, ngay cả những công ty lớn có tầm nhìn đã phải thay đổi từ gần chục năm và phải trả giá cho những bài học đau đớn.
Giám đốc CNTT Coca-Cola ông Sunil Singh thừa nhận, hãng này đã phải trả giá đắt vì thiếu nhiều công cụ ứng dụng, thiếu kênh tập hợp đơn hàng trực tuyến hiệu quả. Minh chứng là 8 năm đeo đuổi thị trường Trung Quốc, hãng không bán được hàng như mong muốn. Và họ lựa chọn đổi mới kỹ thuật số để chiến thắng trên thị trường. Và bài học là tự động hóa quy trình càng sớm càng tốt – ông Sunil Singh nói và cho rằng, những gì xảy ra ở thị trường Trung Quốc cũng có thể diễn ra ở thị trường Việt Nam.
Thực tế, làn sóng cách mạng 4.0 được cảnh báo nhiều đối với DN Việt Nam. Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics), công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo… đã đặt tất cả DN toàn cầu vào cuộc đua khốc liệt. Số liệu thống kê cho thấy, công ty bậc thầy về công nghệ sẽ vượt trội hơn 9% doanh thu, 26% về khả năng thu lợi, 12% về giá trị thị trường.
Cuộc đua khiến vòng đời của một công ty sử dụng để tính toán ra Chỉ số S&P 500 rút ngắn từ hơn 50 năm trong thế kỷ trước xuống còn 15 năm ở thời điểm hiện tại. Và 4/10 công ty trong danh sách Fortune 500 sẽ biến mất trong vòng 10 năm tới, nhường chỗ cho công ty biết tận dụng sức mạnh công nghệ để bứt phá như Uber – một start-up không sở hữu chiếc xe nào đã đánh bạt taxi truyền thống chỉ bằng công nghệ và được định giá 68 tỷ USD sau 8 năm.
Ngay lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), vốn đã ứng dụng công nghệ ngay từ khi lọt vòng cũng phải thay đổi mà Shopee là ví dụ. Ông Trần Tuấn Anh – TGĐ Shopee – cho biết, TMĐT không còn thủ công như đặt hàng trên website, chuyển và theo dõi gói hàng mà ngành này phải xử lý rất nhiều dữ liệu người dùng, vì thế Shopee phải xây dựng hệ thống phân tích sâu đánh giá thị trường (dựa trên big data) để biết sản phẩm nào đang bán chạy? Hành vi của họ ra sao? Họ cần gì? Muốn mua gì? Và phải phân tích theo thời gian thực.
“Ông lớn” như Vinamilk đã chi tới 2.400 tỷ đồng để tự động hóa các khâu sản xuất hay Tập đoàn TH đầu tư hàng trăm ngàn USD cho một chiếc máy cắt cỏ tự động để thay công việc cho 800 người.
Bản thân FPT cũng đã chuyển mình hoàn toàn, đặc biệt từ 7 năm trước, tập đoàn này đã vào “cuộc chơi” S.M.A.C để có tăng tưởng ngoạn mục trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, khảo sát của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT VN cho thấy con số báo động, 35,2% tổ chức đã chuẩn bị và sẵn sàng cho CMCN 4.0; 58.7% đã tìm hiểu nhưng chưa biết chuẩn bị gì, chỉ có 6.1% là chưa tìm hiểu gì và chưa biết chuẩn bị như thế nào.