Châu Âu công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau khi bị bất ngờ với liên minh tàu ngầm “Aukus” của bộ 3 Mỹ, Úc, Anh. Chiến lược này kêu gọi EU tăng cường sự hiện diện ở khu vực thông qua các chuyến thăm, hoạt động đi lại tự do.

Châu Âu công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Tàu chiến Bayern của Đức được triển khai đến tuần tra ở Biển Đông mới đây bị Trung Quốc từ chối cho cập cảng ở Thượng Hải 

Theo báo South China Moring Post, chiến lược của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 16-9 cho rằng căng thẳng tại các điểm nóng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, như Biển Đông, biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích và thịnh vượng của châu Âu. Khoảng 40% thương mại của châu Âu đi qua khu vực này.

Do đó, EU sẽ tăng cường quan hệ với các nước tại khu vực về quốc phòng, chính trị và cả thương mại, y tế, hạ tầng, dữ liệu, môi trường…

Châu Âu cũng sẽ tăng cường triển khai hải quân để bảo vệ sự tự do đi lại và các đường liên lạc dưới biển tại đây. Cụ thể, EU có thể triển khai an ninh và con người để hỗ trợ các sứ mệnh quốc tế, chẳng hạn tuần tra tại Biển Đông, để “thúc đẩy cấu trúc an ninh khu vực dựa trên luật pháp và cởi mở” tại đây.

Nói về chiến lược này đối với Trung Quốc, nhà ngoại giao hàng đầu châu Âu Josep Borrell khẳng định đây là chiến lược hợp tác chứ không phải đối đầu. “Chiến lược của chúng tôi mang tính bao hàm, nó cởi mở với tất cả đối tác của chúng tôi trong khu vực. Chúng tôi muốn hợp tác, từ Đông Phi cho đến Thái Bình Dương, và nó bao gồm cả Trung Quốc”.

Chiến lược của châu Âu được công bố ngay sau khi bộ 3 Mỹ, Anh, Úc xác lập liên minh tàu ngầm. “Tôi không biết gì về chuyện này. Tôi cho rằng một thỏa thuận như vậy không thể được lập sau một đêm mà đã phải làm việc một thời gian” – ông Borrell nêu nhận định. Dù “lấy làm tiếc” về thỏa thuận, ông Borrell cho rằng không nên kịch tính hóa ảnh hưởng lên quan hệ Mỹ – EU.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên tiếng trấn an Pháp rằng nước này là đối tác quan trọng, sau khi Paris phản ứng việc bị đứng bên lề thỏa thuận tàu ngầm.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton giải thích đây là vì lợi ích quốc gia khi lựa chọn tàu của Mỹ, Anh. “Quyết định cuối cùng của chúng tôi dựa trên lợi ích tốt nhất cho an ninh quốc gia” – Hãng tin AFP dẫn lời ông Dutton cho rằng tàu ngầm của Pháp không tốt bằng của Anh, Mỹ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Ấn Độ Dươngchâu ÂuEUThái Bình Dươngtrung quocTự do đi lại

Các tin liên quan đến bài viết