Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã đưa ra cảnh báo về ‘mối đe dọa kép’ từ Covid-19 và cúm mùa.
Theo hãng tin RT, sự lây lan của cúm mùa đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ ‘đại dịch kép’ kéo dài, trong khi sự truyền nhiễm cao của Covid-19 khiến nhiều người lo sợ về áp lực đang đè nặng lên những hệ thống y tế ở châu Âu, vốn đã bị quá tải.
“Sự kết hợp giữa phong tỏa Covid-19, tăng cường đeo khẩu trang và các yêu cầu giãn cách xã hội trên toàn châu lục đã gần như tiêu diệt dịch cúm mùa vào mùa đông năm ngoái”, các chuyên gia y tế thuộc ECDC nói.
Một người dân Hà Lan tiêm vắc xin phòng Covid-19. |
“Tuy nhiên, việc những lệnh hạn chế được nới lỏng sẽ dẫn đến sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm cúm. Virus cúm đang lây lan khắp châu lục với tốc độ nhanh hơn so với dự kiến, với số ca bệnh ở các phòng chăm sóc đặc biệt tăng lên ở thời điểm cuối tháng 12/2021”, các chuyên gia y tế nói thêm.
Theo ECDC, việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế Covid-19 trước khi mùa xuân kết thúc sẽ khiến ‘đại dịch kép’ của Covid-19 và cúm mùa kéo dài qua thời điểm tháng Năm, cũng như gia tăng áp lực lên các dịch vụ y tế đã bị quá tải.
Ca nhiễm Covid-19 mới ở Nga tăng mạnh vì Omicron
Hãng tin TASS cho biết, Nga trong 24 giờ qua đã ghi nhận 30.726 ca nhiễm Covid-19 mới. Đây là số ca nhiễm theo ngày cao nhất được giới chức Nga phát hiện kể từ đầu tháng 12/2021, trong đó số ca nhiễm mới được phát hiện ở thủ đô Moscow và thành phố St. Petersburg lần lượt là 7.529 và 4.132.
Trước đó, Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin hôm 14/1 đã phải tuyên bố số ca nhiễm biến thể Omicron chiếm hơn 50% ca mắc Covid-19 ở thành phố này trong thời gian gần đây. “Tình hình đang trở nên phức tạp hơn, với thực tế rằng biến thể Omicron bắt đầu chiếm ưu thế về tỷ lệ của các ca nhiễm. Những nghiên cứu gần đây cho thấy con số này là 41%, nhưng hiện tôi có thể nói rằng hơn một nửa số người mắc mới nhiễm Omicron”, ông Sobyanin khi đó nói với đài Rossiya 1.
Theo số liệu được Bộ Y tế Nga công bố, mới chỉ có 46% người dân nước này được nhận đầy đủ liều vắc xin phòng Covid-19, kể từ khi bộ này phát động chiến dịch tiêm chủng vào hồi tháng 12/2020.
Australia công nhận vắc xin Sputnik V
Cục Quản lý hàng hóa trị liệu Australia (TGA) hôm 17/1 cho biết, họ sẽ công nhận vắc xin ngừa Covid-19 Sputnik V do Nga sản xuất.
“Hôm nay, TGA quyết định rằng vắc xin phòng Covid-19 Sputnik V, do Viện Nghiên cứu Gamaleya điều chế, sẽ được công nhận với mục đích dành cho khách du lịch đã tiêm chủng. Các dữ liệu được Nga cung cấp cho thấy, loại vắc xin này cung cấp sự bảo vệ và có thể làm giảm khả năng khách du lịch lây Covid-19 cho những người khác khi có mặt ở Australia”, thông cáo của TGA cho biết.
“Các dữ liệu chỉ ra rằng, hai liều Sputnik V cho thấy hiệu quả trung bình đối với các trường hợp nhiễm Covid-19 là 89%, và làm giảm khả năng nhập viện hoặc tử vong tới 98-100%. Việc công nhận vắc xin Sputnik V sẽ mở rộng các lựa chọn cho việc du học sinh quốc tế, các lao động có tay nghề hoặc không có tay nghề, cùng nhiều doanh nhân, vận động viên thể thao tới đất nước chúng ta”, thông cáo từ TGA viết.
Đại sứ Nga tại Australia Alexey Pavlovsky sau đó cùng ngày nói rằng, việc chính quyền Australia công nhận vắc xin Sputnik V là “bước quan trọng sẽ thúc đẩy các mối quan hệ nhân đạo và kinh tế giữa hai nước trong đại dịch Covid-19”.
Một số diễn biến khác về dịch bệnh
Cập nhật lúc 5h sáng ngày 18/1 của trang thống kê toàn cầu Worldometers cho thấy, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm virus cho hơn 330,7 triệu người và cướp đi mạng sống của hơn 5,5 triệu bệnh nhân. Số hồi phục đạt hơn 268,8 triệu trường hợp.
Nguồn: vietnamnet