Một khảo sát đầu tháng 1-2023 với 1.000 sinh viên đại học cho thấy 30% đã sử dụng ChatGPT trong các bài tập viết…
Các nhà khoa học bàn luận về ứng dụng AI và nguy cơ, tác hại của nó trong một hội thảo khoa học quốc tế về công nghệ máy học và xe tự lái diễn ra tại Munich, Đức giữa tháng 2-2023
Ra đời khi xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) lan rộng, ChatGPT (loại chatbot AI giao tiếp với con người bằng ngôn ngữ tự nhiên) mở ra kỷ nguyên người nói chuyện với máy nhưng cũng bắt đầu đặt nhân loại vào tình huống đối mặt với những nguy cơ ngoài tầm kiểm soát.
Từ đầu tháng 1-2023, đại học danh tiếng Pennsylvania báo động việc ChatGPT đã bị sinh viên lợi dụng để vượt qua bài thi cuối kỳ thuộc chương trình MBA Wharton (chương trình quản trị kinh doanh số 1 thế giới).
Ngay sau đó, bốn kỳ thi của Trường luật thuộc Đại học Minnesota và một phần của kỳ thi cấp phép hành nghề y tế Hoa Kỳ vốn nổi tiếng nghiêm ngặt cũng báo động về sự gian lận tinh xảo nhờ vào chatbot này.
Lo ChatGPT ‘tiếp tay’ gian lận học thuật
Thực tế đã nêu làm dấy lên lo ngại về việc học sinh, sinh viên sẽ dùng ChatGPT như công cụ để “học hộ” và “viết hộ”. Theo đó, một phong trào cấm hoặc tìm cách hạn chế sử dụng các chatbot AI kiểu như ChatGPT tại các cơ sở giáo dục và nghiên cứu khoa học đang bùng lên ngày càng mạnh mẽ trên thế giới.
Theo thống kê của trang Sarkarilist (cập nhật đến ngày 30-3), đã có 36 nước cấm công cụ này trong đó có Trung Quốc, Cuba, Lào, Triều Tiên, Nga, Ukraine, Venezuela, Yemen.
Gần như với các câu hỏi về kiến thức khoa học tự nhiên và các bài luận kinh tế chính trị xã hội với những chủ đề từ năm 2021 trở về trước (2021 là mốc thời gian cập nhật sớm nhất của hệ thống), ChatGPT đều có thể trả lời khá thuyết phục bằng đa ngôn ngữ. Bởi thế nó trở nên vô cùng hấp dẫn với học sinh, sinh viên và giới học thuật toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện chưa có phần mềm nào thực sự đáng tin cậy và hiệu quả để nhận biết một văn bản do ChatGPT viết, theo TS Oliver Hintzen – chuyên gia về các vấn đề số hóa tại Hiệp hội Giáo dục và Đào tạo Baden-Württemberg (VBE) của Đức.
Chuyên gia này cho biết phần mềm phát hiện bản thảo do AI tạo ra hiện có khá nhiều, như Turnitin, PlagScan, Copyleaks hay GPT-2 Output. Tuy nhiên, dù tuyên bố độ chính xác lên tới 97% thì trên thực tế khả năng phát hiện vẫn có thể bị suy giảm nếu các bài viết đó bị chỉnh sửa đôi chút hoặc được một ứng dụng AI khác viết lại lần nữa.
Kẽ hở này làm dấy lên nghi ngại không chỉ học sinh, sinh viên mà ngay cả các cá nhân tổ chức muốn trục lợi cũng sẽ dùng ChatGPT để viết hàng loạt báo cáo khoa học “rởm” bằng cách xào xáo thông tin.
Theo đó, không chỉ hội thảo quốc tế về máy học “ICML”, một trong những hội nghị hàng đầu thế giới về máy học và AI đã cấm sử dụng các ứng dụng như ChatGPT để viết bài, mà hàng loạt các tạp chí và nhà xuất bản khoa học nổi tiếng như Nature, Springer Nature, Science… đều coi việc sử dụng những đoạn văn, biểu đồ, hình ảnh do ChatGPT và các công cụ tương tự khác tạo ra là hành vi khoa học sai trái nghiêm trọng.
Nguy cơ xói mòn trí tuệ người trẻ
Một khảo sát đầu tháng 1-2023 với 1.000 sinh viên đại học do tạp chí trực tuyến Intelligent thực hiện cho thấy 30% đã sử dụng ChatGPT trong các bài tập viết. Đây là con số báo động về sự phụ thuộc của học sinh và sinh viên với công cụ này ở thời điểm nó chỉ mới ra mắt trước đó hơn một tháng
Sớm nhận ra sự tác động tiêu cực của ChatGPT đến việc học tập của học sinh, Sở Giáo dục TP New York đã công bố lệnh cấm công cụ này trên các thiết bị và mạng của trường học phổ thông.
Bà Jenna Lyle, người phát ngôn của sở này, cho biết: “Mặc dù ChatGPT có thể cung cấp câu trả lời nhanh chóng và dễ dàng nhưng nó không xây dựng các kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, những điều vốn cần thiết cho sự thành công trong học tập và cuộc sống”.
Hành động mạnh tay của TP New York là phát súng đầu tiên báo hiệu khả năng các chatbot AI sẽ bị cấm tại các trường phổ thông trên toàn nước Mỹ.
Nếu việc cấm dùng ChatGPT chỉ mới phổ biến trong trường phổ thông tại Mỹ và Úc, thì ở Ấn Độ và Pháp, chatbot này cũng đã bị cấm ngay cả ở hệ đại học.
Mặc dù luôn đề cao phương pháp giáo dục khuyến khích tư duy nghiên cứu độc lập, sáng tạo trong các bài luận được làm tại nhà, nhưng trước nguy cơ “làm hộ” với ChatGPT, nhiều trường đại học hàng đầu thế giới như Đại học RV (Ấn Độ), Viện nghiên cứu chính trị Sciences Po (Pháp), Đại học Tübingen (Đức), Đại học Hong Kong… đã là những nơi tiên phong cấm dùng ChatGPT và giảm các bài tự luận về nhà, để thay vào đó là các bài kiểm tra viết tại lớp và thi vấn đáp theo lối truyền thống của những năm 1990 trở về trước.
Một câu hỏi về ChatGPT được đưa vào bài kiểm tra kinh tế chính trị của học sinh lớp 8 tại một trường phía Bắc nước Đức vào cuối tháng 1-2023
Cấm có phải giải pháp?
Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia về máy học và AI, TS Nguyễn Văn Dương – thành viên cấp cao của Hiệp hội Công nghệ khoa học IEEE và đồng thời là giám đốc điều hành bộ phận ADAS (hệ thống hỗ trợ xe tự lái) Panasonic châu Âu – cho rằng: “Cấm sử dụng sản phẩm AI trong giáo dục và khoa học không phải là giải pháp lâu dài bởi AI ra đời là tất yếu khách quan và có nguồn mở khó kiểm soát”.
Anh nhấn mạnh: “Đã tới lúc lĩnh vực giáo dục và khoa học trên toàn cầu cần sớm tìm cách cải tiến và đổi mới để thích nghi trong kỷ nguyên AI chính thức hiện diện”.
TS Nguyễn Văn Dương cho biết “hiện nay Tổ chức IEEE nơi ông là thành viên cấp cao đã đồng thuận cho rằng điều quan trọng cần làm là nhanh chóng phân tích những điểm hạn chế và nguy hiểm của các chatbot để đưa ra các chỉ dẫn sử dụng AI trong khoa học và chế tài phù hợp. Song song với đó, IEEE cũng đang nhanh chóng xây dựng các công cụ phát hiện sản phẩm do AI tạo ra”.
Anh cũng nói thêm: “Với giáo dục các cấp nên có kế hoạch đưa những chủ đề khác nhau về số hóa, AI hoặc thuật toán vào giảng dạy để học sinh, sinh viên nhận thức rõ tác hại của việc lạm dụng AI thái quá, thiếu kiểm soát.
Theo đó, đội ngũ giáo viên chính là lực lượng cần phải được cấp thiết đào tạo, hướng dẫn về các khả năng và hạn chế của công cụ này cũng như cách hướng dẫn học sinh, sinh viên sử dụng AI như thế nào để đạt hiệu quả trong học tập và nghiên cứu.
Ý cấm ChatGPT vì quyền riêng tư dữ liệu
Trong tuần này, Ý là quốc gia phương Tây đầu tiên tạm cấm công cụ ChatGPT với lý do lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu.
Theo Cơ quan phụ trách bảo vệ dữ liệu của Ý, OpenAI – công ty tạo ra ChatGPT – không có cơ sở pháp lý để thu thập và lưu trữ hàng loạt dữ liệu cá nhân nhằm mục đích “đào tạo” các thuật toán của họ. Ngoài ra, cơ quan này cũng lo ngại về sự minh bạch trong việc thu thập thông tin và đã mở cuộc điều tra, theo AFP.
Theo Ý, việc chatbot này đưa ra các câu trả lời sai cho thấy dữ liệu đã không được xử lý đúng đắn. Không chỉ vậy, nó còn đưa ra “những câu trả lời hoàn toàn không phù hợp” với trẻ em. OpenAI có 20 ngày để khắc phục các lo ngại của Ý nếu không muốn bị phạt gần 22 triệu USD hoặc 4% doanh thu hằng năm.
Kể từ khi ra đời, ChatGPT đã gây sốt toàn cầu bao gồm cả ủng hộ lẫn chỉ trích, cấm đoán. Các lãnh đạo và chuyên gia công nghệ mới đây đã cùng ký tên trong bức thư ngỏ kêu gọi tạm ngừng “ngay lập tức” trong ít nhất sáu tháng cuộc đua phát triển AI và những thử nghiệm “ngoài kiểm soát” có nguy cơ gây ra nhiều rủi ro cho xã hội và nhân loại.
Tuy không kêu gọi dừng các hoạt động phát triển AI, nhưng bức thư hối thúc các công ty hãy tạm ngừng việc huấn luyện thêm các công cụ AI thế hệ mới như GPT-4 của Công ty OpenAI.
Nguồn: tuoitre.vn