Nhiều doanh nghiệp logistics, ngân hàng nhanh chóng ứng dụng công nghệ “trợ lý ảo” thông minh như ChatGPT vào hoạt động kinh doanh để tăng sức cạnh tranh, giảm nhân sự, tiết giảm chi phí.
Doanh nghiệp logistics tìm cách ứng dụng các công nghệ AI như ChatGPT để tăng chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí
Xu hướng này ngày càng rầm rộ, đang được ứng dụng ngày càng nhiều ở các ngành vốn đòi hỏi chuyên môn cao.
Bắt đầu cắt giảm nhân sự nhờ ChatGPT
Chị Mai Trang – đại diện Công ty Asia Logistics – khẳng định công nghệ AI ChatGPT đang trở thành “làn sóng” không thể bỏ qua đối với doanh nghiệp về logistics để tăng sức cạnh tranh, giảm chi phí.
Nhập câu lệnh thiết kế chi tiết sự kiện hội nghị, chỉ trong 2-3 giây là cho ra một kế hoạch tương đối đầy đủ các khâu, thậm chí còn hoàn chỉnh hơn so với 2-3 nhân sự họp để lên kế hoạch chương trình.
Nếu chắt lọc lại có đến 8 – 10 ý của ChatGPT để vận dụng. Theo chị Trang, một số công việc đã được sử dụng ChatGPT như sáng tạo quảng cáo, tạo nội dung, hỗ trợ khách hàng và chuẩn bị tóm tắt cuộc họp, viết mô tả công việc, trả lời đơn ứng tuyển…
Ông Nguyễn Hoài Chung – giám đốc điều hành Sàn giao dịch logistics quốc tế Phaata – đánh giá lợi ích ứng dụng ChatGPT dành cho doanh nghiệp logistics là không thể phủ nhận: phục vụ khách hàng 24/7, trả lời 100 người cùng lúc với nhiều loại ngôn ngữ khác nhau giúp doanh nghiệp rất nhiều.
Thậm chí ChatGPT còn được sử dụng ngày càng sâu vào chuyên môn.
“Nó cung cấp gợi ý sản phẩm và dịch vụ, từ đó có thể giúp doanh nghiệp tăng doanh số. ChatGPT cũng có thể được sử dụng để tạo ra nội dung tiếp thị” – ông Chung nói.
Trong buổi chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng ChatGPT do Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) tổ chức mới đây, nhiều chủ doanh nghiệp logistics cho biết đang dần thay thế nhân công tại công ty của mình, thậm chí có doanh nghiệp cho hay đã chính thức thay thế nhân công ở một số vị trí, giúp tiết kiệm chi phí nhờ ChatGPT.
Chứng khoán, ngân hàng… đua dùng trợ lý ảo
Theo ông Nguyễn Thế Minh – giám đốc phân tích của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, gần đây nhờ chuyển đổi số, cho phép mở tài khoản trực tuyến thông qua công nghệ định danh điện tử eKYC, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng vọt và đã đạt tổng số 7 triệu, tương đương 7% dân số.
Để thu hút và giữ chân nhà đầu tư, công ty phát triển chatbox AI riêng. Chẳng hạn với “môi giới ảo” mang tên Ysuri, người dùng chỉ cần cài đặt Telegram, tìm kiếm từ khóa Ysuri và làm theo hướng dẫn.
Sau khi nhắn mã chứng khoán, “môi giới ảo” này không chỉ trả lời các thông tin về tên công ty, sàn niêm yết, giá hiện tại, xu hướng ngắn hạn (tăng – giảm) mà còn có thể trả lời khá sâu: đánh giá thanh khoản, nhận định chung (mua và nắm giữ với tỉ trọng thấp, khuyến nghị bán và quan sát…).
Chứng khoán Smart Invest lại đang triển khai một chatbot mang tên AAS-AI với cách vận hành tương tự ChatGPT, cung cấp các chỉ số tài chính của doanh nghiệp theo thời gian thực, thông báo điểm mua – bán cổ phiếu dựa trên mô hình phân tích kỹ thuật, đánh giá dòng tiền của từng cổ phiếu giữa tương quan với ngành…
Các ngân hàng lớn cũng ra mắt các “trợ lý ảo thông minh”. Như ACB đã giới thiệu AI BOT thế hệ mới có khả năng giao tiếp thông minh, tự học và phát triển liên tục, thấu hiểu và nhận diện cảm xúc, từ đó hỗ trợ khách hàng, phản hồi khách dưới 0,5 giây. “Trợ lý ảo” này còn hỗ trợ cho cả nhân viên ngân hàng.
VCB Digibot là “trợ lý ảo thông minh” cũng vừa được Vietcombank triển khai, sau khi hợp tác với FPT Smart Cloud, có năng lực trả lời khách hàng và nhân viên ngân hàng về nghiệp vụ thẻ, cho vay, lãi suất, các chương trình ưu đãi, tỉ giá…
Các trường đại học thay đổi
PGS.TS Nguyễn Đức Trung – hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM – cho biết hiện trường cung ứng 3.600 nhân sự cử nhân/năm, trong đó có khoảng 40% thuộc khối tài chính – ngân hàng, chưa bao gồm các nhân sự hệ thạc sĩ, tiến sĩ.
Thời gian qua, ngân hàng là ngành tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra không ít áp lực cho các trường đại học lẫn học viên, sinh viên.
Theo vị hiệu trưởng, thời gian tới nhu cầu về nguồn nhân lực tham gia các công việc giản đơn ở ngân hàng có thể giảm nhưng vẫn rất cần những người có trình độ cao, chuyên môn sâu, đảm nhiệm việc quản trị, định hướng, gợi ý, và cả… dạy robot.
Công nghệ phát triển, nhưng nhiều vị trí vẫn cần “con người đối thoại với con người”. Chưa kể có những khách hàng vẫn quen phương thức giao dịch truyền thống.
Tuy nhiên, ông Trung công nhận muốn phát triển trong thị trường lao động tương lai, con người phải nỗ lực không ngừng.
Tăng vốn, tăng đầu tư vào công nghệ
Vào mùa đại hội cổ đông năm 2023, nhiều công ty chứng khoán đồng loạt đưa ra kế hoạch tăng vốn khủng. Chẳng hạn, Công ty chứng khoán BIDV muốn tăng vốn lên mốc xấp xỉ 2.030 tỉ đồng. Con số ở Công ty chứng khoán MB muốn tăng là từ hơn 3.800 tỉ đồng lên gần 4.380 tỉ đồng…Bên cạnh việc bổ sung vốn để tăng khả năng cho vay ký quỹ, đầu tư cổ phiếu, giải quyết các vấn đề về trái phiếu doanh nghiệp, nhiều công ty chứng khoán cũng cho biết mục đích quan trọng nữa là đầu tư vào công nghệ thông tin.Được hỗ trợ từ nguồn vốn ngoại, phía Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết đã tăng vốn lên 2.500 tỉ đồng, không chỉ tăng cạnh tranh mà còn có nguồn vốn để tăng cường đầu tư vào công nghệ, từ đó “đón sóng” khi hệ thống công nghệ thông tin mới của nhà thầu Hàn Quốc cho HoSE dự kiến vận hành cuối năm nay.
Từ khi ChatGPT ra mắt và Dall-E của OpenAI ra mắt, các giảng viên trong trường cũng lập tức cập nhật kiến thức, từ đó tư vấn cho sinh viên.Không chỉ nhờ ChatGPT tư vấn thông tin, sinh viên còn có thể kết hợp công cụ để Dall-E được trí tuệ nhân tạo tạo ra những bức hình đẹp với chất lượng cao.Với những người làm trong ngành truyền thông, việc đưa ra brief (bản tóm tắt công việc) tốt là điều rất quan trọng để thể hiện tư duy, ý tưởng.Vì vậy, để sử dụng hai công cụ trên hiệu quả, đòi hỏi người dùng có tư duy tốt trong việc tìm kiếm, tra cứu thông tin, đưa ra các gợi ý, trình bày ý tưởng…Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng ChatGPT và Dall-E vào hoạt động truyền thông, kinh doanh… Doanh nghiệp cần, sinh viên cần, nên các trường đại học khó đứng ngoài cuộc.
Nhiều phần mềm độc hại giả danh ChatGPT
Các nhà nghiên cứu bảo mật tại Meta (chủ sở hữu mạng xã hội Facebook) cho biết đã phát hiện và phá hủy gần 10 chủng phần mềm độc hại mới, bao gồm cả những phần mềm giả danh ChatGPT dưới dạng tiện ích mở rộng dành cho trình duyệt web và công cụ năng suất.
Phiên bản của những phần mềm độc hại này nhắm tới người dùng thông qua lừa đảo email, các tiện ích trên trình duyệt, quảng cáo, ứng dụng di động, hoặc các nền tảng mạng xã hội khác nhau với mục đích chạy quảng cáo trái phép từ các tài khoản doanh nghiệp bị xâm phạm trên Internet.
Riêng tại Việt Nam, Meta cho biết đã đình chỉ việc tham gia sử dụng mạng xã hội các cá nhân đứng sau phần mềm độc hại có tên Ducktail phát tán ở Việt Nam và đưa họ ra trước cơ quan thực thi pháp luật.
Bên cạnh đó, Meta còn cho biết sẽ lưu ý tất cả các thủ tục thi hành bổ sung thích hợp đối với các đối tượng đứng sau các hoạt động gây hại tới cộng đồng người dùng của Meta tại Việt Nam.
Ông Khôi Lê, giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta, khuyến cáo: “Các doanh nghiệp nên chủ động tận dụng những công cụ bảo mật và luôn cảnh giác trước những dấu hiệu lừa đảo. Các doanh nghiệp cần nắm rõ và tuân thủ những quy định bảo mật của chúng tôi để tránh những rủi ro không đáng có”.
Nguồn: tuoitre.vn