BP – Ở Bình Phước những năm gần đây, chăn nuôi gia cầm đã và đang có bước phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, góp phần đáng kể vào quá trình phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân.

Năm 2016, đàn gia cầm của tỉnh đạt 4,993 triệu con, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, đàn gà 4,614 triệu con (tăng hơn 395 ngàn con), chiếm 92,4% tổng đàn gia cầm; đàn vịt, ngan, ngỗng, chim cút 379 ngàn con, chiếm 7,6% tổng đàn gia cầm. Nhiều năm qua, người dân trong tỉnh đã áp dụng chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Đến nay, toàn tỉnh có 76 trang trại chăn nuôi gia cầm, trong đó có 5 trại gà đẻ trứng, 64 trang trại gà thịt thương phẩm, còn lại là trại gà, vịt giống, gà hậu bị và vịt thương phẩm. Một số địa bàn xác định, gia cầm là vật nuôi đặc sản để tập trung quy hoạch, mở rộng chăn nuôi với quy mô lớn.

Người chăn nuôi gia cầm trong tỉnh đang dần thay đổi cách chăn nuôi để cạnh tranh và hội nhập (Ảnh: Trang trại mô hình chăn nuôi của gia đình ông Đỗ Bá Ngọc ở ấp An Hòa, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú)

Từ chăn nuôi gia cầm, đã có nhiều tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu. Điển hình như gia đình ông Đỗ Bá Ngọc ở ấp An Hòa, xã Tân Tiến (Đồng Phú) nuôi 4.000 con gà Hơmông, gà quý phi; 500 con chim trĩ và hơn 200 con gà Đông Tảo. Ông đang tiếp tục nhân đàn và mở rộng trang trại chăn nuôi các loại gia cầm này, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Hay trại chăn nuôi 3.000 con gà thả vườn dưới tán điều của gia đình anh Phạm Đình Hạnh ở xã Bù Nho (Phú Riềng) mỗi năm mang về cho gia đình nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Thanh Lương (Bình Long) là xã có thế mạnh nuôi gà Minh Dư, một loại gia cầm có chất lượng thịt thơm ngon. Nhiều hộ dân ở đây ban đầu chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nay chuyển sang chăn nuôi gia trại, trang trại với quy mô hàng ngàn con, cho thu nhập cao. Về chăn nuôi gia cầm chất lượng cao phải kể đến Tập đoàn Hùng Nhơn. Công ty này đã đầu tư hệ thống chăn nuôi hiện đại cả về quy mô trang trại, con giống, thức ăn, kỹ thuật tới khâu quản lý.

Ông Trần Văn Phương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm của tỉnh là tiếp tục chăn nuôi công nghiệp đồng bộ, áp dụng biện pháp chăn nuôi thâm canh tập trung, tăng số lứa gia cầm xuất chuồng. Phấn đấu tổng đàn gia cầm đạt 5,7 triệu con trong năm 2017 và đạt 9 triệu con vào năm 2020. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm trong tỉnh đang phải đối mặt với một số thách thức lớn, như: số hộ chăn nuôi gia cầm phần lớn theo phương thức phân tán, tận dụng trong nông hộ; năng suất và hiệu quả chăn nuôi chưa cao; chăn nuôi gia cầm hàng hóa, quy mô trang trại tập trung chưa nhiều…

Ông Phương cho biết thêm: Theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 của tỉnh, ngành nông nghiệp đang từng bước thay đổi căn bản chăn nuôi gia cầm theo hướng nâng cao giá trị, chăn nuôi an toàn và phát triển bền vững. Ngoài việc hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật về giống, thức ăn, kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh…, ngành cũng sẽ triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển chăn nuôi gia cầm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và chủ trang trại chăn nuôi. Phấn đấu đưa chăn nuôi gia cầm trở thành hướng phát triển kinh tế hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân cũng như phát huy lợi thế để cạnh tranh và hội nhập.

Theo: Hữu Dụng(baobinhphuoc.com.vn)

Từ khóa : chăn nuôichăn nuôi gia cầmchim trĩgà Đông Tảo

Các tin liên quan đến bài viết