“Theo tôi, thực ra những hành vi nhẫn tâm được dung dưỡng từ những hành vi nhỏ hơn mà đôi khi người lớn cho rằng chỉ là chuyện trẻ con nghịch ngợm, trêu đùa”.
“Chẳng có đứa trẻ nào đang hiền lành, ngoan ngoãn bỗng dưng lột quần túm áo, đánh bạn đến xây xẩm mặt mày. Chúng đã trải qua một quá trình chuyển hoá mà đôi khi người lớn lại tạo điều kiện cho những hành vi đó có cơ hội phát triển thành mối nguy tiềm ẩn lớn hơn” – chị Trần Ngọc Linh (Hà Nội) chia sẻ quan điểm khi được hỏi về vấn đề bạo lực học đường.
Bà mẹ 2 con phân tích: “Nhiều người đặt câu hỏi tại sao những đứa trẻ mới hơn chục tuổi mà đã biết ghì đầu, đạp bụng cực kỳ thô bạo với bạn mình. Theo tôi, thực ra những hành vi nhẫn tâm đó được dung dưỡng từ những hành vi nhỏ hơn mà đôi khi người lớn cho rằng chỉ là chuyện trẻ con nghịch ngợm, trêu đùa”.
Muốn hiểu được các con, trước tiên cha mẹ phải là bạn của con.
Chị Linh cho biết, từ khi có con, chị rất quan tâm tới chủ đề bạo lực học đường. Thậm chí, nhiều khi chị bị các phụ huynh khác cho là “làm to chuyện”, “coi con như vàng bạc, kim cương”.
“Chỉ cần các con về phản ánh với mẹ là hôm nay có bạn động tay động chân, đùa nghịch quá đáng là tôi sẽ báo ngay với cô giáo, đồng thời dạy lại con về cách bảo vệ bản thân. Tất nhiên, ngược lại, tôi cũng dạy các con tuyệt đối không được dùng tay chân với bạn nào bất kể tình huống lúc đó là gì”.
Chị kể, còn nhớ năm ấy bé Gấu nhà chị mới 2 tuổi. Chị được cô giáo phản ánh là con cậy to khoẻ, hay “bắt nạt” các bạn. “Con có những hành vi mà đứa trẻ nào cũng từng làm như tranh đồ chơi của bạn, xô đẩy bạn ngã, dùng tay đánh vào mặt bạn khi con không hài lòng điều gì đó… Ngay lập tức, từ hôm ấy, tôi chấn chỉnh ngay những hành vi này”.
“Tôi không quát mắng hay phạt con mà giải thích từ từ cho con hiểu. Ở tuổi đó, con chưa biết hành động đó là ‘hư’. Con chỉ phản xạ một cách tự nhiên khi có người làm trái ý mình. Tôi nói với con rằng con đánh bạn sẽ làm bạn đau, bạn buồn, bạn sẽ phải đi bệnh viện… Mỗi ngày kiên trì nói một chút về hậu quả của những hành vi bạo lực, chỉ một thời gian ngắn sau, tôi không thấy con còn tiếp tục những hành vi này nữa”.
Tuy nhiên, chị Linh cho biết, sau này khi bé lớn hơn, thi thoảng bé vẫn có hành động làm bạn đau khi không thể kiểm soát được cảm xúc, hoặc khi bạn làm sai với mình trước. Lúc đó, chị lại giải thích cho con với những lập luận khác, phù hợp lứa tuổi.
“Đã từ rất lâu, con tôi không còn dùng bạo lực với ai nữa. Tôi nghĩ là những gì mình dạy con từ khi còn nhỏ đang phát huy tác dụng. Nó ngấm dần vào tư tưởng của trẻ như một hành động bị cấm và bị dán nhãn là rất xấu xí. Tôi cho rằng, trẻ con cần được cảnh báo và dạy dỗ từ nhỏ khi chúng có những hành vi manh nha cho bạo lực sau này, thay vì xuê xoa với nhau cho rằng ‘trẻ con biết gì’”.
Cùng chung tâm sự, chị Thu Hoài (Hà Nội) cũng có con đang tuổi dở dở ương ương và từng gặp một số tình huống của người trong cuộc – lúc thì con bắt nạt bạn, lúc lại là người bị bắt nạt.
Theo chị, quan trọng nhất là cha mẹ phải liên tục trò chuyện với con, không để con giấu chuyện. Cũng nhờ thế mà có lần chị phát hiện con “làm đau” một bạn nam chỉ vì “bạn giơ ngón tay thối” với con. Ngay lập tức chị cảnh báo và chấn chỉnh lại con mình. Đồng thời, chị chủ động liên lạc với phụ huynh của bạn kia để xin lỗi và cam kết sẽ nhắc nhở con kịp thời.
Ngược lại, cũng có lần con chị bị bạn bắt nạt bằng cách bắt con dùng tiền tiêu vặt để mua một món đồ mà bạn yêu thích nhiều lần. Lần này, chị đề nghị cô giáo chuyển chỗ để tách con mình ra xa bạn kia. “Từ đó, tiền tiêu vặt không còn biến mất nữa”.
Nhưng theo chị, hình thức bắt nạt nguy hiểm nhất vẫn là gây sức ép tinh thần – tẩy chay, không cho vào hội, nhóm hoặc có những luật ngầm để cô lập cá nhân.
Bình luận về vụ việc nam sinh lớp 7 ở Thạch Thất bị các bạn bắt nạt, đánh suốt 1 năm qua, chị Kiều Thanh Hoài, một phụ huynh, cũng là người làm trong ngành giáo dục ở Hà Nội đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao bây giờ bạo lực học đường càng ngày càng gia tăng, mức độ nghiêm trọng tới mức mất nhân tính? Tại sao con bị bạo lực một thời gian khá dài mà gia đình, nhà trường… không biết? Tại sao các bạn trong lớp biết nhưng lại không dũng cảm tố cáo?
Theo chị, cách để các bậc phụ huynh phòng tránh bạo lực học đường cho con, cụ thể nhất là hàng ngày để ý, quan tâm tới thái độ, tâm trạng của con khi đi học về, tìm hiểu xem con có hoà đồng với các bạn không, chơi thân với bạn nào… “Bố mẹ hãy cố gắng thu xếp thời gian dành cho con, là bạn của con để khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, con đều sẽ tìm đến bố mẹ”.
Về phía trường học, chị Hoài cho rằng, nhà trường hãy thường xuyên nhắc nhở các giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm, luôn quan sát, lắng nghe, nói chuyện với học sinh để nắm bắt tâm lý các em.
Nguồn: vietnamnet