Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nhập viện, thậm chí có thể gây tử vong nếu chăm sóc và điều trị không đúng cách.

Chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà ra sao? - Ảnh 1.

TS.BS Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1

TS.BS Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, cứ vào những tháng mùa mưa thì số trẻ mắc bệnh hô hấp phải đến khám, thậm chí nhập viện ngày càng gia tăng. Các bệnh viện, các khoa nhi đều đang quá tải trong thời điểm này.

Trong số các bệnh về hô hấp, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến bệnh viêm phổi. Vì tới bây giờ, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều thấy đây chính là nguyên nhân hàng đầu khiến các cháu dưới 5 tuổi nhập viện, và đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu làm các cháu tử vong.

* Đâu là những dấu hiệu hay triệu chứng để cha mẹ có thể nhận biết con mình đang bị viêm phổi, thưa bác sĩ?

– Thật ra phát hiện sớm viêm phổi ở trẻ không phải là việc khó. Triệu chứng sớm nhất báo hiệu em bé có khả năng bị viêm phổi là thở nhanh. Vậy làm sao chúng ta biết trẻ đang thở nhanh? Rất dễ, chúng ta chỉ cần đếm nhịp thở các cháu trong vòng 1 phút.

Lưu ý là tốt nhất hãy đếm nhịp thở lúc em bé yên tĩnh, nếu em bé nằm được thì càng tốt. Chúng ta quan sát cử động ngực bụng của bé. Cứ mỗi lần bụng cháu nhấp nhô thì tính là 1 nhịp.

Trẻ đang thở nhanh khi nhịp thở của trẻ hơn 60 lần/phút đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, hơn 50 lần/phút đối với trẻ từ 2 – 12 tháng và hơn 40 lần/phút đối với trẻ từ 12 tháng trở lên.

Khi bé bắt đầu thở nhanh là lúc bé bắt đầu có triệu chứng sớm nhất của viêm phổi, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị thích hợp.

* Có những trường hợp trẻ nhập viện và điều trị từ sớm nhưng bệnh vẫn kéo dài khiến phụ huynh rất hoang mang. Nguyên nhân do đâu?

– Nguyên nhân có thể từ các tác nhân gây bệnh cũng như từ chính cơ thể của trẻ. Một số tác nhân gây bệnh đặc biệt có độc lực cao khiến việc điều trị khó khăn và phức tạp hơn rất nhiều.

Một số trẻ có các vấn đề liên quan đến cơ địa như suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch do bẩm sinh, mắc phải một số bệnh lý hoặc do thuốc men dẫn đến suy giảm miễn dịch cũng khiến bệnh dễ trở nặng.

Hoặc một số dị tật bẩm sinh khác kèm theo, chẳng hạn như tim bẩm sinh, bại não, một số bệnh lý bẩm sinh khác của đường hô hấp làm cho chức năng tim mạch, chức năng phổi của trẻ không hoạt động tốt.

Những trường hợp này phải lưu ý nếu trẻ bị viêm phổi thì bệnh thường sẽ diễn biến nặng và phức tạp hơn, cần cho trẻ nhập viện để theo dõi, điều trị.

* Phụ huynh có thể chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà không? Nếu chăm sóc tại nhà, cần lưu ý gì?

– Không phải tất cả trường hợp bị viêm phổi đều phải nhập viện. Phụ huynh vẫn có thể điều trị cho trẻ tại nhà. Điều quan trọng đầu tiên là sử dụng kháng sinh. Cần cho trẻ uống đúng loại kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Ngay cả trường hợp trẻ đã cải thiện, vẫn phải điều trị đủ thời gian để triệt sạch mầm bệnh, tránh nguy cơ tái phát hay kháng thuốc về sau.

Thứ hai, cần lưu ý đến vấn đề dinh dưỡng của trẻ. Trẻ bị bệnh nên ăn uống đầy đủ các nhóm chất, không nên kiêng ăn, điều này sẽ giúp trẻ vượt qua bệnh tật nhanh chóng hơn. Và điều quan trọng là cần cho trẻ uống nhiều nước.

Nhiều người có thói quen cho trẻ uống những loại thuốc ho, thuốc long đàm mà quên mất rằng việc cho trẻ uống đủ nước cũng là vũ khí vô cùng lợi hại giúp trẻ giảm ho và long đàm.

Thông thường, phụ huynh khi thấy con trẻ ho sẽ cố tìm cách kìm hãm cơn ho. Tuy nhiên ho chính là phản xạ có lợi để bảo vệ trẻ, giúp đường thở được thông thoáng. Chúng ta chỉ nên dùng thuốc ho khi ho ảnh hưởng xấu đến trẻ, chẳng hạn ho quá khiến trẻ nôn ói, không ngủ được, đau họng…

Khi trẻ có một trong số các dấu hiệu sau đây: ngủ li bì, không thể đánh thức, co giật, bỏ bú hoàn toàn hoặc bú kém, lượng sữa ít hơn một nửa so với bình thường (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi), đó là dấu hiệu bệnh chuyển biến nặng, cần đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

* Bác sĩ có nhắc đến việc dùng kháng sinh cho trẻ. Tuy nhiên nhiều phụ huynh khá e ngại khi dùng kháng sinh. Xin bác sĩ cho biết ý kiến về vấn đề này?

– Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam thì mọi trường hợp viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi cần phải được điều trị bằng kháng sinh.

Các tác nhân bên ngoài như môi trường sống, không khí ô nhiễm có thể khiến cho vi rút và vi khuẩn đồng nhiễm với nhau, tấn công trẻ cùng một lúc. Vì vậy, đối với các trường hợp viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi cần phải điều trị bằng kháng sinh.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh viêm phổiChăm sóc trẻChăm sóc trẻ bị viêm phổi

Các tin liên quan đến bài viết