Nhiều năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Lộc Phú (Lộc Ninh) đã phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp và huy động sức mạnh tập thể, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều CCB tình nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, công sức xây dựng các công trình công cộng, góp phần cùng chính quyền xã xây dựng nông thôn mới.
GIÚP NHAU THOÁT NGHÈO
Là xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, lại bị ảnh hưởng nặng do thời tiết bất thường và giá các mặt hàng nông sản diễn biến phức tạp khiến đời sống nhiều hộ dân Lộc Phú thêm vất vả. Nhiều CCB thuộc diện nghèo của xã do thu nhập bấp bênh, việc làm không ổn định. Trước tình hình đó, hội đã lập danh sách và cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay 293 triệu đồng phát triển sản xuất từ các nguồn quỹ “Hỗ trợ đồng đội”, “Tình đồng đội”… Ông Nguyễn Đình Khái, Chủ tịch Hội CCB xã cho biết: “Việc lập các quỹ nhận được sự đồng thuận cao nên hội viên đóng góp tự nguyện với mức bình quân 2,7 triệu đồng/người. Nhiều hội viên có kinh tế khá, giàu còn giúp gia đình khó khăn vay vốn đầu tư sản xuất không lấy lãi hoặc lãi suất thấp”.
Nhờ vốn vay Quỹ hỗ trợ đồng đội, gia đình bà Hoàng Thị Phượng ở tổ 5, ấp Tân Lợi đã thoát nghèo nhờ nuôi dê
Gia đình CCB Nguyễn Văn Dũng ở tổ 5, ấp Tân Lợi là điển hình thoát nghèo nhờ vốn hỗ trợ của hội. Bà Hoàng Thị Phượng (vợ ông Dũng) cho biết: “Năm 2014, từ số vốn 80 triệu đồng hội cho vay và một số CCB cho mượn thêm với lãi suất ưu đãi, tôi mua 40 con dê về nuôi. Được chăm sóc đúng kỹ thuật, dê lớn nhanh và sinh sản nhiều, đến nay đàn dê của gia đình phát triển gần 200 con. Hiện mỗi tháng gia đình thu lãi hơn 15 triệu đồng từ tiền bán dê thương phẩm nên cuộc sống đã ổn định”.
Từ nguồn quỹ hội, một số trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ của CCB với số lượng 10-30 vật nuôi/đàn xuất hiện ngày càng nhiều tại Lộc Phú. Các trang trại đều có đầu mối tiêu thụ ổn định, hứa hẹn sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Điều đó cho thấy, hoạt động giúp nhau xóa nghèo của CCB xã đã góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, hình thành các tổ chức sản xuất, nâng cao đời sống hội viên. Vì vậy, trong 5 năm (2011-2016), CCB có kinh tế khá, giàu tăng lên 19 hộ, hội viên có đời sống trung bình và nghèo giảm 5 hộ.
CHĂM LO ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG
Những CCB sau khi vượt khó lại chung sức giúp đỡ hội viên còn khó khăn hay người dân trên địa bàn về vốn, kinh nghiệm, cách thức làm ăn. CCB cũng luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào, như giữ gìn khu dân cư đẹp – sạch, an ninh trật tự hay hiến đất, góp tiền, bỏ công cùng nhân dân mở rộng đường, dọn vệ sinh, gắn đèn đường. Điển hình là 17 CCB có kinh tế khá, giàu đóng góp 75 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn tại các ấp Thắng Lợi, Sóc Rung, Tân Hai, Vẻ Vang. Hội còn kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm và đoàn thể trong xã giúp đỡ 4 hộ thuộc đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà tình nghĩa với tổng 170 triệu đồng.
Từ các phong trào do hội phát động đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, như các ông Lâm Ý và Hoàng Văn Việt hiến tặng 2.300m2 đất xây nhà văn hóa cộng đồng hai ấp Tân Hai, Sóc Rung; ông Nguyễn Văn Nhàn vận động thành lập quỹ học bổng “Chắp cánh ước mơ” giúp đỡ học sinh nghèo Trường tiểu học Lộc Phú… Là người nhiệt tình với công tác hội CCB, bà Lê Thị Hồng Châu cho biết: “Trường tiểu học Lộc Phú hiện có đông học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn theo học. 5 năm qua, tôi đã vận động ủng hộ trường 45 triệu đồng, giúp các cháu giảm một phần khó khăn. Nhìn nụ cười hạnh phúc của các cháu mỗi lần được tặng quà tôi lại thấy vui hơn”.
Theo baobinhphuoc.com.vn