Những ngày này, trên những tuyến đường khắp thôn, xóm của huyện An Lão, tỉnh Bình Định bao trùm không khí nhộn nhịp bởi hoạt động thu mua cau tươi đang diễn ra sôi nổi.
Giá cau tươi tăng cao gấp 4 lần so với năm 2019. Đến người đi bẻ cau thuê cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày.
Hầu hết các xã, thị trấn của huyện An Lão, tỉnh Bình Định đều có diện tích trồng cau, có mô hình trồng cau thì thương lái tìm đến tận các thôn xóm để thu mua.
Gia đình chị Đinh Thị Yêm, ở thôn 1, xã An Vinh, huyện An Lão (tỉnh Bình Định) trồng khoảng hơn 100 gốc cau, từ đầu vụ đến nay đã thu hái bán gần 20 triệu đồng.
|
Cảnh mua bán cau tươi đang diễn ra sôi động ở các xã, thị trấn của huyện An Lão, tỉnh Bình Định. |
Chị Yêm phấn khởi cho biết: “Năm nay, giá cau tươi được giá thương lái đến vườn thu mua luôn cả cau non nhưng gia đình không bán vì sợ ảnh hưởng đến mùa sau và bị sụt giảm ký.
Tuy vụ này, cau ra trái chỉ bằng 2/3 so với vụ trước, nhưng nhờ giá cau hôm nay ở mức cao 20.000 – 24.000 đồng/kg nên số tiền thu về cũng khá. Từ nay đến cuối vụ nếu giá cau giữ ở mức như giá cau hôm nay, gia đình sẽ có thêm khoảng 10 triệu đồng nữa”.
Được biết, giá cau tươi năm nay cao gấp 4 lần so với năm 2019. Cau quả loại tốt có giá 24.000 đồng/kg, còn cau non giá bán thấp hơn vài nghìn đồng.
Giá cau tươi khá cao nên ngay từ đầu vụ thương lái đã vào tận vườn nhà để thu mua.
Nhiều thương lái đặt tiền cọc trước cho chủ vườn, đợi khi cau đến độ sẽ mua, có trường hợp đặt mua luôn cả cau non… Tuy vậy, không như mọi năm, người dân năm nay không bán cau non mà canh giữ đến kỳ thu hoạch mới hái bán để được giá hơn.
Tờ mờ sáng, anh Đặng Thái Vũ (thôn Xuân Phong Nam, xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) lại lên đường đi thu mua cau. Bén duyên với nghề hơn 5 năm nay, khi vụ hè thu vừa kết thúc, thu hoạch xong các loại nông sản, anh lại lên đường đi mua loại quả này.
Trên chiếc xe máy, anh rong ruổi khắp các nẻo đường, nay chỗ này, mai chỗ kia. “Cau được giá nên những người làm nghề như tôi cũng có được thu nhập đáng kể.
Mỗi ngày, tôi cũng kiếm được vài trăm nghìn từ công việc hái cau rồi đem về bán cho các lò sấy. Gia đình nào nhiều thì cũng thu nhập vài triệu mỗi ngày. Tuy nhiên vì giá cả lên xuống thất thường cứ được ngày nào hay ngày đó”, anh Vũ nói.
Xã An Vinh (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) là một trong những địa phương có diện tích trồng cau lớn của huyện. Theo ông Đinh Văn Krô – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Vinh, xã có gần 520 hộ dân thì có hơn 300 hộ trồng cau. Có nhiều hộ trồng cau làm giàu.
Hộ trồng ít độ vài chục cây, còn hộ trồng nhiều cả trăm cây. Mấy năm trước, giá cau khoảng 10 – 12 nghìn đồng/kg, người dân đã thu về hàng trăm triệu đồng.
Năm nay, giá cau tăng vọt, người dân trong xã bán được tiền trăm triệu là cái chắc.
“Giá cau lên xuống thất thường nên địa phương không khuyến khích nông dân trồng mới hay phá bỏ cây cau. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hướng dẫn bà con nên tận dụng các diện tích đất gò đồi, bờ vườn, bờ rào, đất kém hiệu quả để trồng cau, vừa tạo cảnh quan sinh thái làng quê, vừa tăng thêm nguồn thu nhập” – ông Krô chia sẻ.
Theo Phòng NNPTNT huyện An Lão (tỉnh Bình Định), toàn huyện có 68 ha cau đang thời kỳ thu hoạch trái, bình quân mỗi cây cau cho thu hoạch 15kg trái/năm. Trái cau tươi được giá đã đem lại niềm vui lớn cho cả nông dân lẫn chủ cơ sở chế biến.
Có thể nói, nhờ giá cau tươi hôm nay tăng giá mà nhiều hộ nông dân huyện An Lão, tỉnh Bình Định trồng cau làm giàu.
Cau trái được mùa, kéo theo các lò sấy cau trái ở xã An Hòa, An Tân (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) hoạt động hết công suất để kịp giao hàng cho các thương lái. Trung bình mỗi ngày mỗi lò sấy cau tại địa phương thu mua từ 3 – 4 tấn cau tươi/ngày, tạo việc làm cho 20 – 30 lao động nông nhàn tại địa phương.
Mỗi lao động có mức thu nhập từ vài triệu đồng đến hơn chục triệu/người/tháng tùy vào vị trí làm việc. Hầu hết cau trái sau khi sấy khô được xuất bán sang thị trường Trung Quốc.
Nguồn: vietnamnet